Sàng lọc, quản lý môi trường từng giai đoạn của dự án đầu tư

06/10/2023
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường là chủ trương nhất quán trong phát triển bền vững ở nước ta.

Theo cử tri tỉnh Bình Phước, hiện nay tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư nhiều, nguyên nhân phần lớn do môi trường sống bị ô nhiễm. Đề nghị các cơ quan chức năng cân nhắc việc chấp thuận cho các nhà đầu tư hoạt động, nhất là các ngành nghề dễ phát sinh ô nhiễm môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, một số quan điểm lớn được thể hiện xuyên suốt khi thực hiện đó là bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của người dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đặt ra nguyên tắc không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.

Sàng lọc, phân nhóm quản lý các dự án

Cũng theo Bộ TN&MT, trên cơ sở xuyên suốt là sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường, lần đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường đã tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư. 

Theo đó dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; Có nguy cơ; Ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.

Với nhóm I – nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao sẽ phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường ở giai đoạn quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư. Luật cũng yêu cầu áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao như: đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường nếu phát sinh chất thải. Còn đối với các dự án nhóm II, III có thể được đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường ở giai đoạn nghiên cứu khả thi tùy thuộc vào các tiêu chí về môi trường của dự án.

Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định cụ thể danh mục 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để làm cơ sở phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường; đồng thời cũng để áp dụng các công cụ quản lý khác như trách nhiệm quan trắc chất thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ.

Bộ TN&MT khẳng định, với các chế định nêu trên, việc xem xét, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của các cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý đến các công cụ sàng lọc, quản lý môi trường theo từng giai đoạn triển khai của dự án cũng như hiện trạng chất lượng môi trường khu vực triển khai thực hiện dự án để xem xét, đưa ra quyết định phù hợp; bảo đảm lấy bảo vệ sức khỏe người dân làm mục tiêu hàng đầu trong các quyết định phát triển.