Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Bổ sung nhiều quy định bảo vệ môi trường

21/12/2023
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã tăng cường và bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. 
Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều nguyên nhân, môi trường ở thành phố vẫn còn ô nhiễm. Do vậy, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tích cực vào cuộc bảo vệ môi trường
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và công tác bảo vệ môi trường. Thành phố thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo về công tác này.
Trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhất là việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Hay HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”. UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25-12-2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025". 
Ngoài ra, thành phố còn cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ và Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các quy định của Luật Thủ đô 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường…
Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp cho biết, nhờ quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố nên công tác bảo vệ môi trường ở Hà Nội có những chuyển biến tích cực. Nổi bật nhất là tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế hằng ngày trên địa bàn thành phố đạt gần 100%. Thành phố đã xóa được khoảng 97% số lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70-90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở ngoại thành; kiểm kê được nguồn thải gây ô nhiễm không khí; đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt nội thành và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, góp phần hạn chế xả thẳng ra môi trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đánh giá: Ý thức bảo vệ môi trường của người dân thành phố chưa cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải sinh hoạt, phế thải xây dựng ra kênh mương, ao hồ, trục đường giao thông… gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Cùng với đó, Hà Nội đã kiểm kê được nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, nhưng chậm triển khai các giải pháp xử lý, dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí cao. Đặc biệt, thành phố chưa bố trí được nguồn lực cải tạo nguồn nước mặt các sông: Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhuệ dẫn đến bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…
Để nâng cao chất lượng môi trường theo hướng bền vững, mới đây, tại hội thảo góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể những vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan để đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội triển khai các giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước, xử lý chất thải rắn…
Đề xuất nhiều chính sách bảo vệ môi trường
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lưu Thị Thanh Chi cho biết, kế thừa những cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường của Trung ương, thành phố Hà Nội và các quy định trong điều 14 Luật Thủ đô 2012, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo Luật nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm. Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có chính sách hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải. 
Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định phải có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong vùng Thủ đô; có các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường...
Theo bà Đào Thị Anh Điệp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.