Nỗ lực cải thiện ô nhiễm làng nghề

03/04/2018
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Tình trạng ô nhiễm không khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, nhất là chất thải rắn ở một số làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng gia tăng. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo ra những bước chuyển căn bản trong công tác bảo vệ môi trường...
Đối diện với ô nhiễm
Kết quả rà soát, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, được phân theo 8 loại hình sản xuất. Các làng nghề đã thu hút gần 1 triệu lao động, trong đó có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng nghề và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Song mặt trái của sự phát triển chính là hậu quả to lớn về môi trường do các hoạt động tiểu thủ công nghiệp này gây ra. Không ít làng nghề đã bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.
Không thể phủ nhận việc các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố đã tích cực hơn trong việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Song, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn chưa được cải thiện do sản xuất quy mô nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế. Việc đầu tư cho xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường như: Xử lý, giảm thiểu chất thải từ các quá trình sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình và cộng đồng của người lao động còn hạn chế. Mặt khác làng nghề phát triển với nhiều loại hình đa dạng làm đa dạng nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.
Đối với nước thải, khoảng 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định. Các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư. Một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động. Tại nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh chung hoặc ra sông. Nước thải chủ yếu là quá trình xử lý công nghiệp như: Chế biến lương thực thực phẩm, mây tre, dệt, in, gia công kim loại, tẩy và nhuộm... Nước thải ra bị nhiễm màu nặng và gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng mương, sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu; hơn nữa là sự vượt quá tiêu chuẩn đối với các hàm lượng BOD, COD, SS và Coliform, các kim loại nặng...
Tương tự, ô nhiễm không khí gây bụi, mùi tiếng ồn và nóng do sử dụng than và củi chủ yếu trong sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất gốm sứ. Môi trường không khí bị ô nhiễm có tính cục bộ tại nơi trực tiếp sản xuất, nhất là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép và ô nhiễm do sử dụng nhiên liệu than củi. Còn ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu hoặc do bã thải các các loại thực phẩm, các loại rác thải thông thường được đổ ra bất kỳ dòng nước hoặc khu đất trống nào, làm cho nước ngầm và đất bị ô nhiễm.
Cơ chế chính sách về môi trường làng nghề cũng chưa thực sự phù hợp. Các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mặc dù quy định chi tiết việc quản lý và đánh giá ô nhiễm môi trường nhưng chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất tại các làng nghề. Các đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề thường phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chậm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường địa phương và nguồn lực dành cho việc triển khai thực hiện còn hạn chế; công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng và thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề hầu như chưa được triển khai. Hoạt động quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường làng nghề mặc dù được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai liên tục trong nhiều năm nhưng kết quả đạt được chưa phản ánh đủ bức tranh ô nhiễm làng nghề của thành phố. Từ năm 2007- 2016 mới thực hiện quan trắc chưa tới 90 làng nghề, đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 6,6%) so với tổng số 1.350 làng nghề của Hà Nội.
Người dân phải tự ý thức bảo vệ môi trường
Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, ngoài ban hành cơ chế, chính sách, thành phố đã chỉ đạo sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường làng nghề. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn phổ biến pháp luật về môi trường làng nghề cũng được UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thường xuyên, liên tục hằng năm dưới hình thức mở lớp tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói chung và hoạt động sản xuất tại các làng nghề nói riêng; tổ chức đội tự quản về bảo vệ môi trường và cộng đồng dân cư tại các xã có làng nghề; tổ chức các hội nghị thảo luận đưa ra các mô hình hoạt động khuyến khích các cơ sở áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải.
Để chủ động phòng ngừa, ngặn chăn giảm thiểu ô nhiễm, các sở, ngành cũng đã đề xuất với thành phố khảo sát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để triển khai thành công các dự án cấp bách trong việc đầu tư - xây dựng - vận hành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng, khí thải tại các làng nghề. Nâng cao nhận thức cộng đồng làng nghề gắn sản xuất với trách nhiệm về môi trường đồng thời triển khai phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tiêu chí đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, 8 loại hình sản xuất và phân loại cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện trên cơ sở thông số ô nhiễm đặc thù theo thành phần môi trường như: Nước mặt, đất, không khí; phân loại mức độ ô nhiễm theo hệ số ô nhiễm (không ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường hoặc có nhiễm môi trường nghiêm trọng).
Ngoài ra, đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động phục vụ kiểm soát ô nhiễm tại 80 làng nghề trên địa bàn thành phố. Triển khai đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội, đặc trưng cho các loại hình sản xuất khác nhau được xử lý theo mô hình đầu tư dự án cấp bách được thành phố hỗ trợ 100% kinh phí. Nghiên cứu, hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho các do anh nghiệp và tổ chức để tiến hành phân loại, tái chế chất thải; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Phấn đấu bảo đảm 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận tuân thủ đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; từ đó khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.
Theo hanoi.gov.vn 1/4/2018