Bảo vệ môi trường khu vực Dự án đầu tư Xây dựng

13/07/2017
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư xây dựng là nội dung được Bộ Xây dựng đề xuất trong Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường ngành Xây dựng đang được lấy ý kiến đóng góp.
Khi ban hành, Thông tư sẽ quy định về lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng quyết định đầu tư. Dự thảo Thông tư này đặc biệt chú trọng đến những quy định về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu về bảo vệ môi trường trong thi công các công trình xây dựng.
*Trách nhiệm của chủ đầu tư
Trong quá trình thi công các công trình xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các bên liên quan phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Vấn đề mấu chốt nàu được Dự thảo Thông tư quy định rõ.
Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với chủ đầu tư, bắt buộc phải lập ĐTM theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi triển khai thi công. Lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã đề xuất trong Báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thi công công trình…
Đặc biệt là chủ đầu tư bắt buộc phải lập ĐTM theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi triển khai thi công. Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng của nhà thầu;  Phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; Kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.
Chủ đầu tư còn có nghĩa vụ phải đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường trong khu vực dự án và xung quanh hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi cho phép tiếp tục thi công. Phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.
*Đối với nhà thầu thi công
Nhà thầu thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình đối với phần việc mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng đối với các công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu có trách nhiệm tổ chức bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường hoặc kết hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo ĐTM đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
Xây dựng nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình cũng là trách nhiệm mà nhà thầu thi công phải thực hiện. Ngoài ta, nhà thầu thi công còn phải tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công; Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường; Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công trở lại.
*Các bên liên quan
Dự thảo Thông tư nêu trên cũng quy định rõ, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (KHCN&MT) là đơn vị đầu mối của Bộ Xây dựng về quản lý môi trường ngành Xây dựng. Vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), ĐTM của các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng quyết định đầu tư và tham mưu cho Bộ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định; Tổ chức thẩm định, báo cáo Bộ trưởng kết quả thẩm định báo cáo ĐMC, trình Bộ trưởng phê duyệt báo cáo ĐTM; Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng) về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng...
Đối với các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm rà soát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách. Trong đó có các chỉ tiêu quản lý các công trình hạ tầng về thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn (suất đầu tư, định mức kinh tế – kỹ thuật)… đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả.
 
Theo monre.gov.vn 12/7/2017