Phổ biến quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường

26/04/2017
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 25/4/2017, Bộ TNMT phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh Châu Âu (EU – MUTRAP) tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi 3 hội nghị tại 3 miền phổ biến Nghị định 155/CP. Dự kiến, Hội nghị khu vực miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức tại TP.Đà Nẵng ngày 26/4/2017; Hội nghị khu vực phía Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/4/2017.
Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan tại Trung ương: các Bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ; các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Cảnh sát môi trường; đại diện các cơ quan có liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lãnh đạo Sở TNMT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế; lực lượng cảnh sát môi trường địa phương. Ngoài ra, còn có các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN, do anh nghiệp do Bộ cấp phép; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn báo chí…
* Nghị định 155/CP: Nhiều điểm mới
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, Nghị định 155/2016-NĐ-CP đã quy định nhiều điểm mới so với trước đây, đặc biệt quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm mục đích tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở.
Nghị định đồng thời chi tiết hóa khung và mức phạt đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt; việc phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đảm bảo đúng pháp luật, không bị chồng chéo, rõ ràng, cụ thể và theo đúng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan,... Bên cạnh đó,  một số hành vi vi phạm hành chính trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt đã được cụ thể hóa trong Nghị định….
Với nhiều điểm mới sát với thực tế, nhiều quy định của Nghị định 155/CP liên quan trực tiếp đến người dân nên các đơn vị quản lý TNMT cần hiểu rõ, hiểu đúng.
Phổ biến các quy định mới của Nghị định 155/CP, ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho biết, 4 nhóm vấn đê được quan tâm sửa đổi trong Nghị định 155/CP là: Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm liên quan đến công trình bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm mang tính thủ tục hành chính…
Một số điểm mới trong Nghị định 155 được ông Vy nhấn mạnh là: Mức phạt tăng xả nước thải vượt QCVN từ 10% đến 50% của khung phạt; Kết quả quan trắc tự động được làm căn cứ để xác định hành vi xả thải vượt QCVN; Thực hiện không đúng nội dung ĐTM nhưng làm cho môi trường tốt hơn không bị phạt; Quan trắc môi trường định kỳ do đơn vị không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bị xử phạt như không QTMT. Nghị định này bổ sung hình thức phạt cảnh cáo.
Đặc biệt, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã xây dựng riêng Điều 53 quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT phải bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức vi phạm. Một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại một cơ sở, do anh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, hiện việc xử phạt một số hành vi vi phạm tại nơi công cộng như vứt, thải bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; vứt, bỏ rákhông đúng nơi quy định tại các khu chung cư, nơi công cộng, trung tâm thương mại…đang gây khó khăn cho một số địa phương khi thực thi bởi thiếu người giám sát, xử lý.
Theo ông Vy, Nghị định 155/CP đã quy định rất cụ thể. Tuy nhiên nếu không giao nhiệm vụ cụ thể rất khó thực hiện. Thêm nữa, các địa phương phải tăng cường quản lý trước khi xử phạt. Điều quan trọng là phải tăng cường truyền truyền để người dân tự giác thực hiện.
Ông ví dụ, đối với hành vi vứt rác, trước hết phải có quy định về điểm tập kết rác, giờ đổ rác, nếu vi phạm thì dán thông báo và giới hạn thời gian xử phạt. Đó là cơ sở để xử phạt…
* Ghi nhận thắc mắc từ địa phương
Tại hội nghị, hàng chục ý kiến từ Sở TNMT, cơ quan cảnh sát môi trường các địa phương, các Bộ, ngành đã gửi đến Ban tổ chức đề nghị giải đáp.
Các vấn đề được trao đổi là: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm.
Các đại biểu cũng thảo luận về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm của các lực lượng.
Đặc biệt, trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng cần được làm rõ.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Hà Nội) cho biết, Nghị định quy định một số thủ tục đình chỉ hoạt động có thời hạn cần phải tổ chức niêm phong, đánh giá, mở niêm phong sau khi đã khắc phục… nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn.
Ông Nguyễn Duy Tiên, Phó Chánh Thanh tra Sở TNMT Vĩnh Phúc đánh giá cao Nghị định 155/CP khi quy định bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo, mang tính nhắc nhở để các tổ chức, cá nhân có cơ hội khắc phục, như: Xử phạt cảnh cáo đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần; Phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần.
Tuy nhiên, ông Tiên nhìn nhận: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cũng còn có hành vi bị bỏ trống, chưa xem xét xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ như: Đối với hành vi không thực hiện giám sát môi trường đầy đủ trong trường hợp phải thực hiện giám sát môi trường trong kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hiện nay nếu các do anh nghiệp này thực hiện giám sát thiếu tần suất, thông số, vị trí thì xử lý như thế nào đặc biệt là các thông số đặc trưng. Sở TNMT Vĩnh Phúc đề nghị Tổng cục Môi trường hướng dẫn thực hiện nội dung này.
* Sẽ tiếp tục rà soát các quy định về quản lý môi trường
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng hoan nghênh các ý kiến đóng góp tại hội nghị. Các ý kiến này đã phát hiện ra các vấn đề mới, không thống nhất hoặc không rõ nghĩa trong Nghị định 155/CP.
Ông Tùng cho biết, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục nhận ý kiến qua điện thoại, thư điện tử và sẽ tổng hợp bản giải đáp các thắc mắc cũng như có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định này gửi cho các địa phương và cơ quan liên quan.
Ngoài ra, theo ông Tùng, thực tế diễn ra đa dạng, phong phú với từng trường hợp, từng địa phương. Bởi thế Bộ TNMT đang thực hiện rà soát toàn bộ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường để dự kiến xây dựng dự thảo một Nghị định nhằm sửa đổi  các Nghị định liên quan (như Nghị định 18, 35, 127..). Dự kiến, Bộ TNMT sẽ tổ chức hội thảo tại 3 miền để lấy ý kiến, ghi nhận các vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp quan trọng trong quản lý môi trường. 
Một số hình ảnh:

 
Theo monre.gov.vn 25/4/2017