Giảm thiểu ô nhiễm môi trường công nghiệp ở Hà Nội: Cần các giải pháp đồng bộ

18/02/2020
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy vậy, để giảm thiểu ô nhiễm một cách bài bản, căn cơ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
 
- Ông có thể cho biết, thời gian qua việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện ra sao?
- Có thể nói, nhiệm vụ này được triển khai thực hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường các quy chuẩn về môi trường cần xây dựng, ban hành nghiêm ngặt hơn trên địa bàn theo quy định của pháp luật và Luật Thủ đô. Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND thành phố giao chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rà soát, điều tra các cơ sở sản xuất công nghiệp, kiểm kê nguồn thải công nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình ô nhiễm; xây dựng quy chuẩn của thành phố về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, nước thải dệt may, nước thải công nghiệp, giấy và bột giấy, nước thải công nghiệp, khí thải công nghiệp sản xuất xi măng… Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp ngày càng hiệu quả.
- Ông có thể nói rõ hơn về việc xử lý chất thải nguy hại ở khu đô thị, công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề…?
- Việc xử lý các chất thải nguy hại được Sở Tài nguyên và Môi trường luôn quan tâm thực hiện theo đúng quy định về quản lý chất thải và phế liệu. Sở đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội và các sở, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ rà soát, điều tra các cơ sở sản xuất công nghiệp, kiểm kê nguồn thải công nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình ô nhiễm công nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy: Các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động đều trạm xử lý nước thải tập trung. Hiện nay, đối với 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định đã có 26 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung. Để xử lý nước thải tại 17 cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, thành phố đã giao Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và quản lý vận hành.
Thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm kê nguồn phát thải khí thải nhằm xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí và thải lượng khí thải phát sinh. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai thực hiện dự án nghiên cứu phân tích các nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) hoàn thành nghiên cứu, đề xuất mạng lưới quan trắc không khí cho thành phố Hà Nội từ 34 đến 37 trạm quan trắc.
Bên cạnh việc triển khai một số hoạt động nhằm giảm ô nhiễm không khí như hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, trồng mới hệ thống cây xanh, thành phố đã tập trung triển khai Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030. Đề án này gồm 6 nhóm giải pháp với 45 nhiệm vụ được triển khai thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn. Cùng với đó, công tác phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí được triển khai và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
- Như ông trao đổi, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu ô nhiễm môi trường công nghiệp cũng được đẩy mạnh. Vậy nhiệm vụ này được triển khai thực hiện như thế nào?
- Đúng vậy, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân chung tay bảo vệ môi trường. Ngoài nguồn ngân sách thành phố chi cho nhiệm vụ này, việc huy động các nguồn từ xã hội hóa cũng đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường. Đơn cử, thời gian qua nhiều dự án đã và đang được triển khai như dự án xây dựng ô chôn lấp rác theo công nghệ chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka (Nhật Bản) ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) có công suất 240 tấn/ngày; dự án Nhà máy xử lý rác Phương Đình tại huyện Đan Phượng công suất 200 tấn/ngày… Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liệu (huyện Hoài Đức) công suất 20.000m3/ngày đêm; dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề dệt nhuộm xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) công suất 500m3/ngày đêm… 
Cùng với đó, công tác đánh giá tác động môi trường ngày càng được chú trọng. Thành phố đã chỉ đạo tập trung giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã rà soát quy trình lập và thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố bảo đảm đúng quy định của pháp luật quy định rõ ràng và nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong bảo vệ môi trường. Để làm tốt nhiệm vụ này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát, cắt giảm thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược từ 60 ngày xuống còn 30 ngày; thẩm định, thẩm định lại và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 50 ngày xuống còn 20 ngày; thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết từ 25 ngày xuống còn 7 ngày…
- Với sự hình thành và phát triển của nhiều ngành sản xuất, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, chắc chắn công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ gặp một số khó khăn. Vậy thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm nào thưa ông?
- Để tăng cường công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn hành phố, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là thực hiện hiệu quả nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, tăng cường năng lực quan trắc môi trường và xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; kiểm soát ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp, làng nghề; quản lý chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nước sông, hồ; tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường… Song hành với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, các tầng lớp nhân dân, Sở sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm tổ chức, các nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm công nghiệp nói riêng…
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo hanoi.gov.vn