Bảo vệ môi trường hướng tới Phát triển bền vững

25/11/2016
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sáng 24/11, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; TS. Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về môi trường, các đại biểu đại diện cho các tôn giáo trên địa bàn TP.                                                
Hà Nội hiện có 266/1.350 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với khoảng 60.000m3 nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường mỗi ngày; 08 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ cao, 48 cụm công nghiệp và trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, hiện còn 01 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải; có 2.580 bệnh viện, phòng khám (trong đó có 21 bệnh viện cấp Trung ương, 49 bệnh viện cấp thành phố, 23 bệnh viện tư nhân và trên 1.700 phòng khám đa khoa, chuyên khoa khác); có gần 58.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng; trên 5.300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố...
Nhận thức sâu sắc vấn đề nêu trên, trong những năm qua, Bộ Công an và Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà nội đô chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan triển khai nhiều đề án, kế hoạch, giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường đồng bộ, kịp thời và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình hình ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí (khói, bụi công nghiệp, phương tiện giao thông…); vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ…; khai thác tài nguyên trái phép làm biến đổi môi trường sinh thái tự nhiên, biến đổi dòng chảy...                                      
Trong thời gian chuẩn bị cho hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được trên 60 bài tham luận đầy tâm huyết của các đại biểu đại diện cho các cấp, các ngành và các tổ chức tôn giáo; sự tham gia tích cực và rất có trách nhiệm của các cá nhân, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn về bảo vệ môi trường… Các báo cáo khoa học đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về thực trạng môi trường và công tác bảo vệ môi trường; những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc đó; đồng thời, dự báo về tình hình môi trường trong thời gian tới và đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP một cách khách quan, trung thực, thể hiện sự tâm huyết của các đại biểu về khoa học nói chung và về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP nói riêng. 
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong chiến lược phát triển của TP Hà Nội từ năm 1995-1996 đã đưa ra mục tiêu phát triển xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, và hiện nay việc cùng chung tay xây dựng định hướng phát triển cho nền kinh tế tăng trưởng xanh, trong đó, có môi trường xanh là nội dung rất cần thiết và bức thiết. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, nếu không giải quyết thì chắc chắn Thủ đô sẽ không thể phát triển bền vững. do vậy mục tiêu TP đưa ra là nâng cao chất lượng sống cho người dân, xây dựng Hà Nội xanh, sạch, văn minh, hiện đại, văn hiến.
Để làm sạch không khí, TP đưa ra giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài là chương trình trồng một triệu cây xanh, phấn đấu đạt 10m2/cây xanh thì nhiệt độ Hà Nội sẽ giảm khoảng 1,2 độ C. Cho đến nay, Thành phố đã trồng gần 150 nghìn cây xanh. Giải pháp tiếp theo là sau khi có các chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí, TP tiến tới khuyến cáo, thanh loại dần ô tô xe máy quá hạn. Ngoài ra, Hà Nội hiện đang tập trung cơ giới hoá toàn bộ thu gom xử lý rác thải, đưa cơ giới hoá thu gom rác bao gồm hút bụi sẽ giảm ô nhiễm không khí. Liên quan đến thu gom rác, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải nhà hàng, rác thải bệnh viện sẽ đốt 100%. TP đang cố gắng đến đầu tháng 1/2017 khởi công nhà máy đốt rác điện đầu tiên công suất 2.000 tấn/ngày đêm và phấn đấu đến đầu 2020 có 3 nhà máy đốt rác. 
Đối với vấn đề nước sạch, Chủ tịch cho biết, TP đang xây dựng lại quy hoạch toàn bộ nước sạch, theo tiêu chí nước sạch người dân uống được tại vòi, hiện việc này đang thí điểm tại Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn…; ngoài ra kêu gọi tư nhân đầu tư nhà máy nước Hoà Bình có thể cung cấp 200 nghìn m3/ngày đêm. Phấn đấu 2018 đầu 2019 toàn bộ hệ thống nước sạch theo một tiêu chí nước sạch đô thị tiêu chuẩn chung cho toàn TP. 
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sáng kiến của CATP Hà Nội phối hợp với UBMTTQ TP và các tôn giáo trên địa bàn Thủ đô tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” trong đó có đặt mục tiêu tầm nhìn 2025, đồng thời khẳng định Ban tổ chức hội thảo đã có những suy nghĩ đầu tư lâu dài hướng tới mục tiêu vì môi trường trong tương lai.
Nhấn mạnh tới dân số của Thủ đô với trên 8 triệu dân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp, làng nghề và từ chính người dân đã trở thành một vấn đề bức xúc hiện nay. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ có sự phát triển cả về dân số, do anh nghiệp và đương nhiên trong đó có chất thải. Thông qua hội thảo, các tham luận đặc biệt của các tổ chức tôn giáo, nhân dân đã khẳng định vai trò của nhân dân trong quản lý môi trường.
 
Vì vậy, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, các tổ chức đoàn thể phải làm tốt chức năng giám sát của mình. Trên các khu vực có nguy cơ vi phạm môi trường, các tổ chức đoàn thể thành viên phải có sự giám sát việc gây ô nhiễm môi trường và việc làm này phải kéo trong thời gian nhiều năm, thường xuyên liên tục. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, phải có sự phân cấp, có quy trình giám sát. Theo đó người dân giám sát tại nơi mình sinh sống, thông tin đến bộ phận giám sát, tổ chức phụ trách sẽ phân tích, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo thanh tra, kiểm tra để có chế tài xử lý phù hợp.
Đồng chí cũng cho rằng, mỗi người dân là một nguồn xả thải, muốn giảm ô nhiễm môi trường phải hướng dẫn người xả thải đúng quy định, mỗi người dân là một cảm biến xã hội về môi trường, tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Thông qua các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền đến người dân, làm thế nào mỗi do anh nghiệp phải có giám đốc, người quản lý vì môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn sau hội thảo, 5 cơ quan tổ chức hội thảo sẽ có chương trình hành động cụ thể vì một môi trường xanh của Thủ đô, có sơ kết, tổng kết đánh giá hàng năm để kiểm tra lại kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức đoàn thể, tôn giáo vì mục tiêu bảo vệ môi trường.
Theo https://www.hanoi.gov.vn