Tham vấn ý kiến các nhà khoa học về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

06/10/2023
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy và Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người hay bất kỳ sinh vật nào sống trên trái đất. Không có nước sẽ không có sự sống. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm về vấn đề nước, không chỉ bằng chủ trương mà bằng hệ thống pháp luật và chính sách Nhà nước như: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo ông Phan Xuân Dũng, hội thảo nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, cách quản lý mới với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có kết cấu 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều). Trong đó, Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua là: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Đối chiếu với Dự thảo Luật tháng 3/2023, Dự thảo Luật tháng 9/2023 đã qua 9 lần chỉnh sửa, tiếp thu, bổ sung những điểm mới căn bản như: Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công vụ kinh tế; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đồng tình và thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ban soạn thảo và việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, hội ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân vào dự thảo Luật. Các đại biểu tham dự đều cho rằng về cơ bản nội dung, bố cục Dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu quy định văn bản quy pháp pháp luật, Dự thảo Luật được bố cục chặt chẽ, nội dung bao quát toàn diện lĩnh vực tài nguyên nước.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Thủy lợi, Tổng hội Địa chất, Hội kinh tế môi trường, Hội Nước sạch và môi trường; Viện Hợp tác và Phát triển tài nguyên nước đi vào góp ý các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, tại Khoản 5, Điều 35: Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước “Nước thải xả vào nguồn nước phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải, phù hợp với chức năng nguồn nước và sức chịu tải của môi trường nước tiếp nhận”.  Do đó, ông Nguyễn Văn Vẻ đề nghị ghi rõ và phân loại các nguồn thải để làm căn cứ xác định các nguồn xả thải làm cơ sở xây dựng chính sách quản lý và phù hợp với Khoản 3, Điều 37 gồm: Nước thải khu công công nghệp, khu chế xuất; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; làng nghề; khu đô thị; đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện (căn cứ quy mô dân số)….

Bên cạnh đó, tại Điều 6: Sửa đổi khoản 2, Điều 7 của Dự thảo Luật về truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Vẻ kiến nghị sửa thành: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; giám sát, phản biện xã hội việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”.

Lý giải về kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Vẻ cho rằng, hiện một số tổ chức có chức năng liên quan đến tài nguyên nước nhưng chưa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các tổ chức chính trị - xã hội có địa vị pháp lý độc lập, không chịu sự lãnh đạo của Mặt trân và chỉ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Góp ý cho Điều 66 của Dự thảo Luật về nội dung “phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ”, PGS.TS Hà Lương Thuần, Viện hợp tác và phát triển tài nguyên nước – VUSTA cho rằng, đã từ lâu việc khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trong lòng sông đã được chỉ ra là nguyên nhân chính hạ thấp lòng dẫn ở các sông miền Bắc và gây sạt lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu long. Hiện nay, nhu cầu về cát cho các công trình giao thông, xây dựng ngày càng tăng đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến gia tăng khai thác cát sói trong lòng sông, suối. Vì vậy, tại  khoản 2 của điều này, PGS.TS Hà Lương Thuần đề nghị bỏ đoạn “có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông” mà cho rằng bất cứ họat động nào có liên quan đến khai thác cát sỏi cũng phải đánh giá tác động môi trường và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận. Có như vậy chúng ta mới quản lý tốt và giảm tình trạng khai thác cát, sỏi ở lòng sông, lòng suối hiện nay.

Góp ý vào phạm vi điều chỉnh Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), TS Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, tại điều 1, Dự thảo Luật đã đề xuất không đưa “nước dưới đất” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo khái niệm “nước dưới đất” vẫn là tài nguyên nước, do đó cần xem xét giữ lại ở Luật này.

TS Hoàng Văn Khoa đề nghị xem xét việc chồng lấn về quản lý giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi, Luật Khí tượng thủy văn. Đặc biệt “nước mưa”, “nước mặt”, cũng là đối tượng quản lý của các luật khác.

Về các loại quy hoạch tài nguyên nước, cần sắp xếp các quy định về quy hoạch theo thứ tự quy hoạch tài nguyên nước và sau đó là các quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành. Trong mỗi loại quy hoạch cần thể hiện các nội dung: Nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch, thời hạn, thẩm quyền phê duyệt.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và giải trình của cơ quan soạn thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.