Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với tài nguyên nước

23/03/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày Nước thế giới 2021 (23/3) được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trên toàn thế giới. Hiện nay, còn 2,2 tỷ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước. Do vậy, các quốc gia cần phải có những hành động mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”. 

Nước cốt lõi cho phát triển bền vững

Nước - nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người, sự phát triển bền vững của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững.

Thực tế, phát triển bền vững không phải là một khái niệm mới mẻ mà thực ra đã được sử dụng trong quản lý các tài nguyên có khả năng tái tạo. Con người hoàn toàn có khả năng làm cho phát triển được bền vững, đảm bảo tài nguyên đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của mình mà không gây phương hại đến việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đồng thời, giảm thiểu tổn hại tới hệ thống kinh tế- xã hội và môi trường.

Liên Hợp Quốc đã thống nhất “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản của mình”, theo đó, tiếp cận với nước uống là quyền cơ bản của con người. Tuy vậy, cho đến nay, số người thiếu nước uống sạch an toàn vẫn đang không ngừng gia tăng. Vì vậy, mối lo về nước không phải của riêng một quốc gia nào.

Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể.

Quan điểm của Việt Nam luôn khẳng định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và khu vực để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của thế giới và khu vực.

Chung tay cùng thế giới bảo vệ nguồn nước

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT Nguyễn Thị Thu Linh cho biết, Ngày Nước thế giới năm 2021 có chủ để là “Giá trị của nước” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách theo đó nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Nhân sự kiện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2021 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động phù hợp hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2021

Cụ thể, tổ chức Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: công trình vệ sinh, công trình nước sạch tại nơi công cộng và các vùng đặc biệt khó khăn; công trình xử lý nước thải, trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn.

Tổ chức treo băng rôn, phướn, pano, áp phích ở các nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động với một số khẩu hiệu cho Ngày Nước thế giới. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng phát sóng các nội dung về nước và cuộc sống, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tổ chức các buổi tọa đàm hoặc hoạt động trực tuyến khác trong đó có trao đổi, thảo luận về các chủ đề có liên quan đến Ngày Nước thế giới; tổ chức phỏng vấn ghi hình truyền thông điệp Ngày Nước thế giới,...

Chia sẻ các trailer, phóng sự, pano, áp phích, khẩu hiệu, hình ảnh, các chương trình trực tuyến, thông tin, tài liệu hoặc tổ chức các minigame trên mạng xã hội có nội dung liên quan tới Ngày Nước thế giới nhằm tăng sự quan tâm, thu hút lượng tương tác, chia sẻ, bình luận của cộng đồng mạng cùng tìm hiểu, trao đổi về chủ đề Ngày Nước thế giới.

Phát động phong trào sử dụng tiết kiệm nước tại hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, trong trường học và nơi công sở. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích trong việc sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và tiết kiệm.

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án cấp nước sạch và vệ sinh cho mọi người, đặc biệt là những đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh các chương trình, dự án áp dụng kỹ thuật nông nghiệp thông minh, tái sử dụng nước hoặc sử dụng nước tuần hoàn một cách an toàn...

Tập trung giải pháp quản lý bền vững nguồn nước

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT Nguyễn Thị Thu Linh, để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030, đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước của Việt Nam đã được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp là tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó, cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước như: điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, chúng ta cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực song.

Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các hành lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước.

Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,… nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn; hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.

Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban Lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt, tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới

Cuối cùng là xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước.

Hiện nay, còn 2,2 tỷ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước. Do vậy, các quốc gia cần phải có những hành động mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG CHỦ ĐỀ NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI NĂM 2021

  1. Nước là tài nguyên thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe, sinh kế, môi trường, các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế bền vững.

  2.  Nước là tài nguyên quý giá! Hãy sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

  3.  Bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

  4. Hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người.

  5.  Nước là tài nguyên hữu hạn và thiết yếu, sử dụng nước tuần hoàn vì một tương lai bền vững.