Hướng tới mục tiêu 100% cơ quan hành chính nhà nước tham gia vào quá trình gửi, nhận văn bản điện tử

20/11/2019
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sáng ngày 15/11 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Hội nghị trực tuyến có sự tham dự của Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoạn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đồng chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Kết quả, 95/95 đơn vị (100%) các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Việc triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước, thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc để có chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg điển hình như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông… 
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong những Bộ, ngành thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử với tất cả các cơ quan, đơn vị bên ngoài Bộ qua Trục liên thông văn bản quốc gia theo giải pháp mới ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương Trục liên thông và thực hiện việc ký số phần lớn các văn bản kể cả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ; triển khai gửi, nhận văn bản điện tử thay văn bản giấy; sử dụng phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc dùng chung kết nối từ Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ đến các Sở Tài nguyên và Môi trường; ứng dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, rút ngắn quy trình, giảm khối lượng công việc trong quản lý, xử lý, phát hành văn bản,… Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Bộ được đánh giá cao và đã được Hội truyền thông số Việt Nam trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2019 - Hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
Đến Quý IV/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mở rộng đối với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia vào Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc với vai trò như một đơn vị trong Bộ; có quyền truy cập, tiếp nhận, xử lý, gửi văn bản đến Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ và giữa các Sở Tài nguyên và Môi trường với nhau. Qua đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương được thông suốt, góp phần cải thiện cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí. Thông qua hệ thống, việc theo dõi và giám sát công tác trả lời, góp ý của địa phương được cải thiện rõ rệt (đến nay các Sở đã nhận 35.837 văn bản của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ và đã gửi 4.197 văn bản đến Bộ).
Đến nay, theo thống kê trên Hệ thống, tổng số văn bản của Bộ và các đơn vị trực thuộc đã phát hành trong nội bộ Bộ hiện nay tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 98%; tỷ lệ văn bản điện tử ký số phát hành qua Trục liên thông văn bản quốc gia đạt trên 90% . Hệ thống đã bảo đảm thực hiện chu trình khép kín 04 cấp; từ khâu tiếp nhận ở văn thư Bộ, chuyển lãnh đạo Văn phòng trình lãnh đạo Bộ phân công đơn vị, lãnh đạo đơn vị chuyên viên xử lý; sau đó dự thảo hồ sơ trình điện tử có xác thực chữ ký số (kể cả ký nháy của đơn vị chuyên môn và Văn phòng Bộ) trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký số chuyển Văn thư Bộ phát hành văn bản điện tử; các thao tác hoàn toàn sử dụng các chức năng trên Hệ thống.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, đáp ứng lộ trình đề ra tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan hành chính nhà nước tham  gia vào quá trình gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc từ giải quyết công việc theo phương thức truyền thống, dựa trên giấy tờ sang giải quyết văn bản, công việc trên môi trường điện tử, trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý; thực hiện chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm hạ tầng kỹ thật, an toàn, an ninh thông tin,…