Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch

22/07/2019
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn do ãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP; lãnh đạo một số sở, ngành của TP.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây. Luật Quy hoạch chính là công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đặc biệt, Luật Quy hoạch có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của do anh nghiệp và người dân.
 
Với tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Quy hoạch, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp quy hoạch và việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch nên kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, đặc biệt là việc triển khai tổ chức lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 là chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Những khó khăn, vướng mắc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
 
Để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt một số giải pháp cụ thể như: Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; Tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch; Đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí.

Về Kế hoạch tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành của cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được tiến hành đồng thời, có sự phối hợp, điều chỉnh, theo phương pháp ‘‘đúng dần’’.
 
Hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đang được dự thảo trình Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch khác.
 
Để bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch, Khung định hướng phát triển quốc gia (bao gồm quan điểm, mục tiêu phát triển và định hướng bố trí tổng thể và các ngành then chốt) sẽ được soạn thảo trong thời gian từ tháng 11/2019-1/2020, trình Hội đồng quy hoạch quốc gia thông qua để làm căn cứ bước đầu cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
 
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để các Bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận về các kết quả đạt được trong thực thi các quy định của Luật, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh của các Bộ, ngành, địa phương; Các vấn đề cần tháo gỡ, thống nhất cách hiểu, cách làm như việc lập quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; Cách hiểu và áp dụng các quy định chuyển tiếp của Luật, nhất là các quy hoạch là các quy hoạch tích hợp như quy hoạch điện cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh,...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Luật Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, là quy hoạch mới lần đầu tiên áp dụng giúp Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đề ra được mục tiêu chiến lược, xác định được động lực phát triển, mục tiêu phát triển. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thi hành Luật, trong đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các Thông tư, Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch, chủ động rà soát các quy hoạch đã có, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện quy hoạch mới.
 
Phó Thủ tướng đề nghị cần thống nhất về cách hiểu, cách làm như việc lập quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; cách hiểu và áp dụng các quy định chuyển tiếp của Luật, nhất là các quy hoạch là các quy hoạch tích hợp như quy hoạch điện cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh…
 
Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực. Tiếp tục triển khai lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo hướng tổ chức lập đồng thời các quy hoạch; cung cấp các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan và phối hợp trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch…
 
Theo Hanoi.gov.vn 16/7/2019