Bộ TN&MT phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024
Chiều ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối tới các điểm cầu tại Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tham dự và chủ trì buổi lễ.
Tham dự Lễ phát động có ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.
Việt Nam được biết đến là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số gia tăng, đô thị hóa và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây sự mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước cho hòa bình”, Ngày Khí tượng thế giới “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu” và Chiến dịch giờ Trái đất “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero” năm 2024 có sự gắn kết chặt chẽ, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng nhằm tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động vì khí hậu, tập trung vào tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới; tăng cường năng lực và chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng cộng nghệ cao trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; lan toả sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại trong hành trình hướng tới NetZero.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực, chung tay hành động vì khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.
Trong đó, rà soát, cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hoá và nội luật hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép.
Về lâu dài, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,...); tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; tăng cường các giải pháp xanh, các dự án năng lượng tái tạo đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho rằng, ngày nay nhân loại đều đang phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ tần suất ngày một lớn. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn tài nguyên nước ngày càng trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi. Theo đó, khi mọi người không được tiếp cận nước một cách bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận nước ngọt thì xung đột có thể xảy ra giữa các cộng đồng, địa phương, thậm chí các quốc gia.
Vì vậy, theo ông Văn Ngọc Thịnh, để giải quyết được các cuộc khủng hoảng và thách thức mang tính sống còn này thì không còn cách nào khác là chung tay hành động và đóng góp của tất cả chúng ta, từ cấp độ quốc gia cho đến mọi người trên khắp thế giới.
Là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới về bảo tồn thiên nhiên, thời gian qua, WWF đã cam kết đồng hành cùng với Chính phủ, Bộ TN&MT trong các nỗ lực nhằm giải quyết 3 thách thức lớn nhất toàn cầu liên quan đến môi trường hiện nay đó là: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Nhân dịp này, thay mặt cho Tổ chức WWF, ông Văn Ngọc Thịnh tái khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ, hợp tác thực hiện các cam kết quốc tế nhằm đạt được mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15; hợp tác để thúc đẩy vai trò tiên phong trong các nỗ lực và sáng kiến toàn cầu và khu vực về bảo tồn nguồn nước;…
Cũng tại Lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng đã giới thiệu về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Theo đó, Luật Tài nguyên nước gồm 10 chương và 86 điều, được xây dựng tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác…
Về các điểm mới, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Luật quy định về nguyên tắc quản lý và trong đó có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; và quy định chính sách của Nhà nước, trong đó có “ưu đãi đối với dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.