Tăng cường hoạt động đối ngoại lĩnh vực tài nguyên và môi trường

19/05/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Trong năm 2020, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy thoái, dịch Covid-19,… Bộ TN&MT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ của nước thành viên trước cộng đồng quốc tế, thúc đẩy, mở rộng các hoạt động đối ngoại nhằm tìm kiếm các đối tác mới tiềm năng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác nói chung và hợp tác, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TN&MT nói riêng.
 

Hợp tác song phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với các quốc gia gồm:

Vương quốc Anh: (i) Tiếp tục hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác với Cục Địa chất Vương quốc Anh, bao gồm hoàn thiện thủ tục phê duyệt đề án Địa chất đô thị Hà Nội và bộ từ điển dùng trong cơ sở dữ liệu địa chất nhằm vận hành và sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu địa chất; (ii) Hợp tác với Cục Địa chất Vương quốc Anh xây dựng đề án về vật liệu xây dựng đô thị thí điểm tại Hà Nội; (iii) Triển khai Bản ghi nhớ về Chương trình đối tác dịch vụ thời tiết khí hậu (WCSSP) đã ký kết với Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh; (iv) Tiếp tục phối hợp với Sở Địa chất Anh thực hiện nghiên cứu về “Thiết lập trạm quan trắc đa thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu cho Hà Nội”.

Hàn Quốc: (i) Tiếp tục thực hiện hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ với Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, gồm: Xây dựng kế hoạch hợp tác trong 2 năm tiếp theo về dữ liệu ra-đa, vệ tinh, dự án ODA, dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn, xây dựng đề xuất Nghị định thư về “Xây dựng quy trình hoạt động giám sát, dự báo tác nghiệp bão trong bối cảnh biến đổi khí hậu” với Công ty Soletop của Hàn Quốc; (ii) Xây dựng Dự án: “Thiết lập hệ thống giám sát và phân tích thiên tai quốc gia nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” do KOICA tài trợ; (iii) Tiến hành thủ tục kết thúc và đóng gói Dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS” (Dự án VietLIS 2) bằng nguồn hỗ trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA; (iv) Triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường với Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI); (iv) Triển khai “Dự án thí điểm xác định vị trí lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tại tỉnh Tiền Giang” hợp tác với Cơ quan Môi trường Hàn Quốc (KECO).

Trung Quốc: (i) Trao đổi, thống nhất với Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc về nội dung ký mới của Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc về trao đổi số liệu thủy văn vùng biên; (ii) Chuẩn bị nội dung cho cuộc họp Tổ công tác liên hợp hợp tác khoa học khí tượng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 13 tại Trung Quốc; (iii) Trao đổi với Cơ quan Khí tượng Hồng Kông (Trung Quốc) về vấn đề chia sẻ số liệu trong khuôn khổ Chương trình Dự báo thời tiết nguy hiểm và Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS).

Đài Loan (Trung Quốc): (i) Tiếp tục phối hợp với Cục Bảo tồn đất và nước Đài Loan thực hiện “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực cho các khu vực miền núi Việt Nam” từ năm 2019; (ii) Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ với Cục Bảo tồn đất và nước Đài Loan.

CHDCND Lào: (i) Phối hợp với cơ quan Khí tượng Lào đề xuất dự án sử dụng nguồn Nghị định thư về khoa học, công nghệ; (ii) Họp trực tuyến với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường CHDCND Lào về hoạt động hợp tác trong thời gian tới về khí tượng thủy văn; (iii) Thực hiện hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dự báo khí tượng thủy văn, trao đổi thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo, giảm nhẹ rủi ro thiên tai của hai bên; (iv) Tiếp tục trao đổi, thống nhất nội dung đề xuất dự án ODA của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật CHDCND Lào về tăng cường năng lực quản lý đất đai; (v) Tiếp tục trao đổi với CHDCND Lào về việc phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin về kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính, theo dõi, giám sát tác động triển khai và các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Phần Lan: (i) Hợp tác trong Dự án Hỗ trợ hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam giai đoạn III; (ii) Xây dựng Đề xuất dự án “Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam” (dự án PIF với Phần Lan); (iii) Trao đổi với cơ quan Khí tượng Phần Lan thực hiện dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị tại Việt Nam (PROMOAIR)”; (iv) phối hợp với Viện Môi trường Phần Lan chuẩn bị thực hiện Dự án “Đô thị không phát thải khí nhà kính” nhằm triển khai các nội dung đã được hai bên thống nhất trong Bản thỏa thuận hợp tác (MOU) ký kết năm 2019; (v) Phối hợp với Cục Địa chất Phần Lan thực hiện nghiên cứu “Bổ sung nhân tạo tầng chứa nước nhằm đảm bảo tính bền vững của trữ lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất trước tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam”.

Na Uy: (i) Hợp tác với Cơ quan Khí tượng Na Uy về tăng cường năng lực dự báo biển; (ii) Tiếp tục triển khai dự án về quan trắc lún ở đồng bằng sông Cửu Long; (iii) Phối hợp với Cơ quan Khí tượng Na Uy tổ chức Hội thảo Dự báo biển năm 2020 “Ứng dụng WavyMini kiểm nghiệm dự báo sóng bằng các sản phẩm vệ tinh” theo hình thức trực tuyến.

Cộng hòa Seychelles: (i) ký Ý định thư giữa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Đặc phái viên của Cộng hòa Seychelles tại ASEAN về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế biển xanh, quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển tháng 01/2020.

Cộng hòa Séc: Nghiên cứu, triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2020-2025 đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Cộng hòa Séc trong năm 2019.

Cộng hòa Liên bang Đức: (i) Phối hợp thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm giai đoạn 2018-2020”; (ii) Thực hiện 03 đề tài độc lập cấp nhà nước do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ.

Vương quốc Bỉ: (i) Phối hợp Quỹ liên các trường Đại học Bỉ về “Tác động của xâm nhập mặn đối với tài nguyên nước và thủy lợi ở khu vực Nam Trung Bộ dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” giai đoạn 2019-2022; (ii) Triển khai nhiệm vụ “Xây dựng năng lực quản lý thiên tai cho khu vực miền núi huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình, Việt Nam” do Đại học Flemish, Vương quốc Bỉ tài trợ; (iii) Phối hợp cùng tổ chức VLIR-OUS trực thuộc Hội đồng liên trường đại học Flemish, Vương quốc Bỉ xây dựng nội dung dự án hợp tác quốc tế về “Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo sớm hạn hán cho vùng Tây Nguyên của Việt Nam”.

Nhật Bản: (i) dự kiến ký Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản trong lĩnh vực quan trắc rác thải biển; (ii) làm việc với Viện Thông tin không gian địa lý Nhật Bản trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên để xây dựng đề xuất dự án xin nguồn tài trợ của JICA về tăng cường năng lực và quản lý hiệu quả hệ thống trạm định vị vệ tinh của Việt Nam; (iii) ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tai biến địa chất và thảm họa thiên nhiên với Ban Tai biến địa chất, Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế, Nhật Bản; (iv) phối hợp với chuyên gia Nhật Bản hoàn thiện Đề án “Phát triển mạng lưới cảnh báo khu vực tai biến địa chất bằng công nghệ vệ tinh và xe chuyên dụng được trang bị các thiết bị tiên tiến để phòng chống thiên tại tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam”; (v) Hợp tác với tập đoàn Kaiyo, Nhật Bản xây dựng dự án đào tạo nhằm tăng cường năng lực về địa chất và khoáng sản do chính phủ Nhật tài trợ; (vi) Xây dựng Dự án “Tăng cường năng lực điều tra cơ bản, giám sát, cảnh báo và dự báo khí tượng thủy văn trên Biển Đông và ven bờ Việt Nam” do JICA tài trợ; (vii) Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban thư ký Ủy ban hỗn hợp Cơ chế tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản (JCM); (viii) Tiếp tục triển khai các Thỏa thuận hợp tác với Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) và Hiệp hội Đánh giá Môi trường Nhật Bản (JEAS).

Campuchia: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đàm phán “Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia” và tiếp tục làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về các nội dung còn chưa thống nhất để đàm phán với Campuchia về Hiệp định.

Hà Lan: (i) Phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam xây dựng Đề xuất Dự án Mở rộng quy mô Đất đai sử dụng viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan; (ii) Trao đổi thực hiện nội dung Ý định thư “Hợp tác trong lĩnh vực tăng cường kiến thức về tài nguyên nước, trước hết tập trung vào vấn đề quản lý sử dụng nước ngầm, chất lượng nước mặt ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long”.

Italia: Tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ với Bộ Môi trường, Đất đai và Nước Italia.

Hợp tác đa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các hoạt động trong các khuôn khổ đa phương, bao gồm:

ASEAN: (i) Triển khai Kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản (AMCAP) giai đoạn 2016-2020 và tham gia xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản (AMCAP) giai đoạn 2020-2025; (ii) Xây dựng Đề án tổng thể tổ chức các Hội nghị ASEAN về khoáng sản năm 2021 tại Việt Nam và các Hội nghị liên quan; (iii) Triển khai các hoạt động của Việt Nam trong Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG), bao gồm: Thực hiện cam kết, vai trò của Việt Nam thông qua việc góp ý kiến về tình hình triển khai thực hiện APASTI; Đóng góp sáng kiến tại một số hội nghị, diễn đàn của ASCMG, theo đó đã góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách về quản lý rủi ro thiên tai xây dựng kế hoạch cụ thể tại các nước thành viên; Báo cáo hoạt động đã thực hiện vai trò thành viên ASCMG của Khung APASTI; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác của ASCMG trong việc xây dựng các bản tin cho tạp chí khí hậu của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN; Đóng góp tích cực đối với hoạt động nhận định khí hậu mùa ASEAN về trả lời khảo sát, dự hội nghị trực tuyến; Thường xuyên cập nhật đầu mối Trưởng Tiểu ban và các đầu mối của Việt Nam tham gia ASCMG; Báo cáo kết quả thực hiện giữa kỳ khung hành động APASTI của ASEAN giai đoạn 2021-2026; Cử cán bộ tham dự 02 Diễn đàn nhận định khí hậu mùa trực tuyến do ASEAN tổ chức; Cập nhật Đầu mối tham gia ASCMG; Góp ý, cung cấp nội dung cho Hội nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ của ASEAN lần thứ 78; Đăng cai tổ chức Hội thảo ASEAN về dự báo thời tiết nguy hiểm cho các dự báo viên khu vực Đông Nam Á theo hình thức trực tuyến; Xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức Khóa họp thường niên lần thứ 43 của ASCMG tại Việt Nam; (iv) Hỗ trợ trưởng nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu của Việt Nam để tham mưu chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến chuẩn bị họp nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu lần thứ 11; (v) Chủ động xây dựng dự thảo Tuyên bố chung của ASEAN gửi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Ủy ban Bão: (i) Tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 52 của Ủy ban Bão theo hình thức trực tuyến; (ii) Tham gia góp ý đối với các hoạt động của Ủy ban Bão, bao gồm: Chương trình Thám sát bão hợp phần II (Exotica II); Chương trình dự báo bão đổ bộ (TLFDP); Thành lập trung tâm hợp tác nghiên cứu của UNESCAP/WMO/Ủy ban Bão; Đặt tên bão thay thế tên bão Lekima; Cập nhật thông tin đầu mối quốc gia tham gia Ủy ban Bão.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO): (i) Thực hiện công tác phát báo quốc tế thường kỳ đảm bảo được nhiệm vụ chia sẻ số liệu tham gia WMO; (ii) Thực hiện cung cấp các bản tin dự báo hỗ trợ các nước thành viên tham gia Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á; (iii) Cập nhật mạng lưới chuyên gia của Ban kỹ thuật WMO; (iv) Cung cấp số liệu khí hậu của 33 trạm phát báo quốc tế cho Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) để xuất bản trong Hồ sơ Thời tiết Thế giới (WWR); (v) Xây dựng đề xuất Dự án “Cung cấp dịch vụ thời tiết công ở Việt Nam về dự báo, cảnh báo dựa trên tác động và truyền thông” do Dự án Rủi ro khí hậu và Cảnh báo sớm (CREWS) và WMO tài trợ.

Tổ chức Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp đa thiên tai (RIMES): Phối hợp với RIMES khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai tại Việt Nam.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF): phối hợp với WWF xây dựng và thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): phối hợp với UNDP xây dựng kế hoạch triển khai giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Ủy hội sông Mê Công quốc tế: (i) Tham gia các cuộc họp, hội thảo do Ủy hội tổ chức, cho ý kiến về việc phát triển nguồn nước của các nước ven sông như: Diễn đàn khu vực về tham vấn Dự án thủy điện Luông Phra-bang và Chiến lược Phát triển lưu vực, Phiên họp Nhóm công tác hợp tác tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương; (ii) Triển khai Dự án “Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát và dự báo thời gian thực phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng”.

Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương: (i) Chuẩn bị nội dung và báo cáo của các Phiên họp Nhóm công tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương; (ii) Tham gia chuẩn bị nội dung và tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Công-Lan Thương lần thứ ba; (iii) Xin ý kiến các Bộ, ngành về các dự thảo Bản ghi nhớ chia sẻ thông tin thủy văn sông Lan Thương và Đề xuất xác lập một cơ chế chia sẻ thông tin  trong hợp tác tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương; (iv) Xây dựng văn kiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý lũ và hạn lưu vực sông Mê Công - Lan Thương”.

Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC): (i) Tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước; (ii) Rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cho UNFCCC (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và gửi cho Ban Thư ký UNFCCC, Ban Thư ký UNFCCC và tổ chức NDC Partnership đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam).

Ngân hàng Thế giới (WB): (i) Phối hợp với WB hoàn thiện các tài liệu tham khảo “Các nguyên tắc thẩm định đánh giá tác động môi trường” và “Kiến thức quản lý tài nguyên và môi trường”; (ii) Tiếp tục thực hiện các dự án phối hợp với WB.

Ngân hàng Phát triển Châu Á: Xây dựng Dự án “Tăng cường năng lực dự báo lũ và cảnh báo sớm cho các lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Mã” thuộc dự án “Quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp thích ứng với khí hậu” do ADB tài trợ.

G20: (i) Tham gia các Hội nghị trực tuyến cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng G20 về Môi trường, đóng góp nội dung phục vụ TTCP tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20; (ii) Cử đại diện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự các Hội nghị trực tuyến cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng G20 về Nông nghiệp và Nước.

Ủy ban Điều phối các chương trình địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á (CCOP): (i) Tiếp tục phối hợp với CCOP trao đổi, triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới; (ii) đề xuất CCOP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới để có thể thực hiện các nhiệm vụ mới được giao về địa chất và khoáng sản biển; nâng cao năng lực về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và địa chất đô thị; (iii) Thảo luận kế hoạch tổ chức các Hội nghị thường niên CCOP, thực hiện trách nhiệm thành viên Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên CCOP năm 2021; (iv) Tham dự Họp thường niên CCOP lần thứ 55 và Hội nghị Lãnh đạo Ủy ban Điều phối các chương trình địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á lần thứ 73 theo hình thức trực tuyến.

Ủy ban Quản lý thông tin toàn cầu Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UN-GGIM-AP): Tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban UN-GGIM-AP; tham gia thảo luận các vấn đề mới nhất của thông tin không gian địa lý trên toàn cầu và khu vực trong việc xây dựng, khai thác dữ liệu và các nội dung về khung tham chiếu trắc địa, dữ liệu không gian địa lý.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO): Tham dự Hội thảo xây dựng dự án thúc đẩy kinh tế xanh tại Vịnh Thái Lan thông qua phương pháp tiếp cận hệ sinh thái đối với nghề cá do Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức.

Quỹ Môi trường toàn cầu GEF: (i) Năm 2020 Việt Nam được bầu là thành viên dự khuyết Hội đồng GEF toàn cầu theo luân phiên các nước; (ii) Xem xét, thẩm định phê duyệt các đề xuất dự án môi trường xin tài trợ GEF, bao gồm: Đề xuất dự án “Hỗ trợ dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường năng lực cho người dân ở ven biển” phối hợp với Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp và Tổng cục Lâm nghiệp và đã nộp đề xuất dự án cho Văn phòng Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF) để trình Ban chỉ đạo GEF Việt Nam xem xét phê duyệt; Đề xuất dự án “Quản lý rừng và đất rừng bền vững tại cảnh quan rừng lưu vực sông Ba, Việt Nam” phối hợp với Viện Điều tra và Quy hoạch rừng và UNDP; (iii) Tham dự Hội thảo Giới thiệu về Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) chu kỳ 7; (iv) Tham dự cuộc họp nhóm cử tri mở rộng Quỹ môi trường toàn cầu; (v) Tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia kỹ thuật về danh mục các dự án đã và đang vận động tài trợ trong Chu kỳ 7 của GEF; (vi) Tham dự Hội nghị cử tri khu vực Đông Á do Ban thư ký GEF tổ chức.

Mạng lưới giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á (EANET): (i) Tham gia các hoạt động hợp tác và thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quốc gia EANET của Việt Nam; (ii) Tổng hợp, chỉnh lý và lập báo cáo số liệu quan trắc từ các trạm thuộc mạng EANET để gửi sang Trung tâm Mạng lưới EANET tại Nhật Bản để tổng hợp, xử lý, xuất bản và lưu trữ.

Trong năm 2021, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng, tranh chấp thương mại giữa các đầu tầu kinh tế thế giới chưa được dàn xếp ổn thỏa. Từ đó có thể dẫn tới các nguồn hỗ trợ phát triển và cho vay ưu đãi sẽ bị ảnh hưởng. Các tổ chức khu vực vì lý do giữ vững phát triển kinh tế trong nước có thể tạo nên những chia rẽ hoặc phân nhóm trong tổ chức do theo đuổi các mục đích và lợi ích riêng. Phương hướng, kế hoạch đối ngoại trọng tâm năm 2021 về tài nguyên và môi trường tập trung: (i) Xây dựng kế hoạch đối ngoại năm 2021 với trọng tâm tăng cường đối thoại với các nhà tài trợ về ưu tiên, lĩnh vực quan tâm của các nhà tài trợ để hài hòa, lồng ghép các hỗ trợ cho Bộ về xây dựng chính sách, thể chế khai thác, sử dụng tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng và quảng bá hình ảnh của Bộ với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ; (ii) Quản lý hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động đoàn ra, đoàn vào và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; tiếp tục quản lý việc triển khai các biên bản ghi nhớ đã ký kết và chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới; (iii) Thực hiện và kịp thời phổ biến các quy định pháp luật mới liên quan đến các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để giám sát quá trình thực hiện và tránh chồng chéo trong xây dựng đề xuất dự án mở mới sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài; (iv) Nghiên cứu, xây dựng chiến lược hợp tác tổng thể với các đối tác song phương và đa phương cũng như trong các khuôn khổ hợp tác quan trọng về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; kết hợp các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ để hình thành các chương trình, dự án phù hợp với ưu tiên của nhà tài trợ để đề xuất thực hiện; tăng cường tham gia, phát huy vai trò đề xuất các sáng kiến, giải pháp tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế nhất là các hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc về tài nguyên và môi trường. Tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ về chuyên gia, thiết bị, kỹ thuật và tài chính từ việc tiếp cận các nguồn phi chính phủ nước ngoài hoặc từ các Quỹ hỗ trợ phát triển; (v) Tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để có thể tiếp cận các công nghệ khai thác tài nguyên và xử lý môi trường tiên tiến, hạn chế các tác động tiêu cực. Cố gắng vận động, tranh thủ các hỗ trợ về đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho nguồn nhân lực chuyên môn về tài nguyên và môi trường nhằm phục vụ cho các mục tiêu lâu dài; (vi)Tiếp tục xây dựng một số dự án hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề mang tính chất đa ngành/lĩnh vực và liên vùng, xuyên biên giới tập trung vào các lĩnh vực được nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm như: thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chống xói lở bờ sông, bờ biển, giám sát xâm nhập mặn, kiểm kê trữ lượng các bon mặt đất, tính toán phát thải khí nhà kính,...