Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT ký chương trình phối hợp công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2025

13/01/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Chiều 12/01, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2020 và ký chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 về công tác bảo vệ môi trường. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị còn có 2.386 đại biểu tại 63 điểm cầu trên cả nước.  Tại điểm cầu Hà Nội có lãnh đạo UBMTTQ VN Thành phố Hà Nội; Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định; đại diện các tổ chức, tôn giáo trên địa bàn Thành phố cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn gánh chịu nhiều hậu quả do tác ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Do đó, Bộ TN&MT mong muốn tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.                                                           Các đại biểu tại điểm cầu TP.Hà Nội tham dự Hội nghị
Thực hiện Chương trình phối hợp số 20/CTrPH-MTTW-NTNMT ngày 26/12/2016 về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017 - 2020, đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với Sở TN&MT. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn phối hợp với Bộ TN&MT cùng lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp. Qua 5 năm triển khai, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ký kết Chương trình hoặc kế hoạch phối hợp 3 bên giữa Mặt trận, Sở TN&MT cùng các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh. Nhiều địa phương như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp đến cấp huyện.
Giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6 tại 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường tại các khu dân cư. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đồng loạt tổ chức lễ mít tinh Ngày Môi trường thế giới tại 5.393 khu dân cư với 647.160 người tham dự, khơi thông được 102.898km dòng chảy, trồng được 2.854.603 cây xanh và thu gom được 1.868.420 khối rác thải, trong đó, có 220.705 khối rác thải nhựa, huy động được hơn 8,2 triệu ngày công và Nhân dân đóng góp vật tư quy ra tiền hơn 168 tỷ đồng.
Thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội về bảo vệ môi trường, trong 3 năm (2018 - 2020), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Tổ quốc Việt Nam, Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại 10 tỉnh, thành phố;  đã chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban MTTQ các địa phương tổ chức rà soát các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ở xã, phường, thị trấn báo cáo lên cấp trên để tổng hợp xem xét giám sát. Năm 2017, báo cáo tại 11 tỉnh cho thấy có 1.040 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Năm 2018, có 1.116 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 2.550 cuộc giám sát.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì và nhân rộng 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường. Từ các mô hình điểm ban đầu, đến nay, 50/50 tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng 40.626 mô hình điểm.
Thực hiện Chương trình phối hợp, đến nay, toàn thành phố Hà Nội có 2.350 mô hình tự quản bảo vệ môi trường cấp thành phố, trong đó, có 584 mô hình phát triển kinh tế do MTTQ và các tổ chức đoàn thể chủ trì; 1.562 mô hình tự quản về an ninh trật tự; 2.100 mô hình thực hiện nếp sống văn minh… Đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo tổ chức 274 hội nghị tuyên truyền với hơn 60 nghìn lượt người tham dự nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt đạt 89% tại ngoại thành và 100% tại nội thành, chất thải y tế đạt 100%. Đặc biệt, Thành phố đã thực hiện trồng 1 triệu cây xanh; có 428 đoạn đường nở hoa, 2.144 đoạn đường xanh-sạch-đẹp.
 Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” của Bộ TN&MT cho 02 đồng chí thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Công bố quyết định khen thưởng10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội; Bộ TN&MT cũng tặng Bằng khen cho 10 Sở TN&MT, 5 tổ chức tôn giáo đã có nhiều thành tích trong công tác phối hợp bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT đã ký Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT với 8 nội dung nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo với cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT các cấp trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát huy hiệu quả vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, cộng đồng tôn giáo tham gia quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy bền vững đất nước; Cổ vũ, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giám sát phát hiện và tố giác hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu./.