Xóa bỏ bếp than tổ ong – Từ cam kết đến hành động

21/12/2020
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Trong đó, quận Hoàn Kiếm và huyện Thạch Thất đã xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ.
Kết quả trên được nêu trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Giảm mạnh nhu cầu sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ
Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%). Trong khi đó, 5 quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là các quận:  Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, và huyện Đan Phượng.
Để đạt mục tiêu loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong, các quận, huyện, thị xã đã triển khai các buổi tuyên truyền, phát/dán tài liệu truyền thông, thông báo trên loa phát thanh nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích các hộ gia đình, hộ kinh doanh chuyển đổi sang các loại bếp phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi hộ. Các hoạt động này nhận được sự đồng hành từ các tổ chức như: Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Cơ quan phát triển Hà Lan (SNV), Công ty cổ phần thế hệ xanh,....và sự ủng hộ, tự nguyện tham gia từ chính người dân.
Đồng thời, các tài liệu truyền thông về tác hại của bếp than tổ ong đã được dán tại nhiều điểm như bảng tin tổ dân phố, khu chợ, nhà văn hóa,... ở Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Trì, Đống Đa, Ba Đình...
                                                                                                                                       
                                                 
          Người dân phường Cống Vị, quận Ba Đình tham gia hội nghị truyền thông về tác hại của than tổ ong, mang bếp đến đổi và nhận quà là chiếc làn nhựa đi chợ nhằm hạn chế việc sử dụng túi nilon và góp phần cải thiện môi trường
Giảm mạnh trong cung ứng  than tổ ong
Trong tháng 9-11/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng thực hiện khảo sát nhanh 10 điểm sản xuất than/bếp than tổ ong tại các quận như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân,...
Kết quả khảo sát cho thấy những năm trước 2020, số lượng viên than tổ ong tiêu thụ trong một ngày từ các xưởng này là khoảng 2.000 viên/xưởng. Hiện nay, do thành phố Hà Nội thực hiện truyền thông về tác hại của than tổ ong và chỉ thị 15/CT-UBND , nguồn cầu giảm khiến số lượng than bán ra giảm mạnh, trung bình hiện nay dưới 1.000 viên/ngày/xưởng, có những xưởng chỉ khoảng 500 viên/ngày. Các xưởng sản xuất than hiện đều đã cắt giảm nhân lực hoặc chuyển đổi - đa dạng hóa các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ khác. Những cơ sở và hộ gia đình vẫn sản xuất than đang gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và đảm bảo nguồn thu nhập nên rất cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương.
Từ nay đến hết ngày 31/12/2020, việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ phải chấm dứt hoàn toàn. Đến năm 2021, người dân thủ đô sẽ không còn khó thở bởi khói từ nhiều bếp than được đốt lên hàng ngày. Nhưng để đạt được điều đó rất cần sự chung tay, nỗ lực từ các cấp chính quyền và từ mỗi người dân chúng ta ngay hôm nay.