công tác phối hợp trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả

15/11/2018
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sáng ngày 14/11, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà nội đô tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường, dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thành phố tới đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và cán bộ tuyên giáo Thành phố. Phó giám đốc Sở TNMT HN Lê Tuấn Định dự và trình bày kết quả công tác quản lý Môi trường, ứng phó với Biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo tại Hội nghị về kết quả công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố, phó giám đốc Sở TNMT HN Lê Tuấn Định cho biết, Thực hiện nhiệm vụ quản ly nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và trình UBND Thành phố ban hành 03 quyết định về quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố; Quyết định về việc phân cấp thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; Quyết về việc ban hành quy định quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

Sở đã tham mưu UBND Thành phố xây dựng Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, dự kiến hoàn thành trong quí IV/2018, trình UBND Thành phố. Tăng cường phối hợp với các Sở, ban, ngành kiểm soát công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và y tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm theo đúng quy định. Tăng cường vệ sinh môi trường trên các tuyến phố, khu dân cư, hạn chế phát sinh rác thải nơi công cộng. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng tăng cường cơ giới hóa đạt 80% tại địa bàn các quận nội thành và 30% tại địa bàn  các huyện. Xóa bỏ các điểm tập kết chân rác, điểm tập kết xe gom rác. Lắp đặt 5.300 thùng rác trên các tuyến phố. Hoàn thành đưa vào quản lý và vận hành 98/110 nhà vệ sinh công cộng bằng vốn xã hội hóa.
                     Phó giám đốc Sở TNMT Lê Tuấn Định phát biểu tại Hội nghị

Thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định hiện hành. Theo đó, hiện nay có 80/305 làng nghề thuộc Đề án bảo vệ môi trường làng nghề được UBND Thành phố phê duyệt, được đầu tư mạng lưới quan trắc tự động kiểm soát ô nhiễm, còn 235 làng nghề và 07 làng nghề đã có chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được điều tra, đánh giá, phân loại theo quy định. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội phục vụ phân loại và quản lý; Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề thành phố Hà Nội về bảo vệ môi trường.

 Về công tác thanh, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đến nay đã tiến hành kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 5 tỷ đồng. Kiểm tra, xác định được 187 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, phân loại đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm đen để đề xuất phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm, xử lý dứt điểm đến năm 2020. Hoàn thành việc xử lý 25/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thành phố đã tập trung Xây dựng các nhóm giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng một số giải pháp trọng tâm, cấp bách: Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Ứng dụng các công nghệ mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế bền vững cho vùng có nguy cơ chịu tác động của BĐKH; Rà soát quy hoạch phát triển đô thị, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạn chế tác động của BĐKH, ngập lụt; Hoàn thành kiểm kê phát thải khí nhà kính theo 5 lĩnh vực (nông nghiệp, lầm nghiệp, chất thải, năng lượng, sử dụng đất), từ đó đưa ra kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo thỏa thuận Paris (không tăng quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp); Sử dụng năng lượng hợp lý và bền vững thông qua phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp./.
                                                                                                               
 Anh Minh