Giao ban Thường trực Thành ủy Hà Nội với Lãnh đạo CÁC QUẬN, HUYỆN, thị xã về công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố

29/03/2018
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sáng 29/3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố tổ chức hội nghị giao ban quý I/2018 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung  ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy đồng chủ trì hội nghị. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có đồng chí Nguyễn Trọng Đông - Thành ủy viên, Giám đốc Sở, các đồng chí Phó giám đốc Sở, trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở cùng tham dự.

Hội nghị tập trung vào 02 nội dung trong công tác quản lý đất đai của Thành phố: Kết quả thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU, ngày 1/9/2016, của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội”; đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, các nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, mục tiêu, giải pháp thực hiện trong năm 2018.                             Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP đồng chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị giao ban về kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Thời gian qua công tác cấp GCN đã có chuyến biến tích cực, rõ nét, đặc biệt là cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, cấp GCN cho mua nhà tái định cư, mua nhà tại dự án phát triển nhà ở.

Tính luỹ kế đến ngày 16/3/2018, kết quả đăng ký, cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, trong khu dân cư, tổng số thửa đất cần cấp GCN và đăng ký kê khai là gần 1,552 triệu thửa, đã thực hiện cấp GCN và đăng ký kê khai đất lần đầu là hơn 1,535 triệu thửa, đạt 98,9%. Trong đó, đã cấp GCN được hơn 1,339 triệu thửa, đạt 98,7%. Cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 90,32% (còn hơn 17 nghìn căn hộ đang tiếp tục triển khai cấp GCN). Việc cấp GCN cho người mua nhà tái định cư đạt 92,11%; cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa, đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,01%.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, kết quả đạt được đã phản ánh sự triển khai quyết liệt, hiệu quả, sự quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu của các cấp, ngành, của UBND thành phố, sự cố gắng của các quận, huyện…Tuy nhiên, việc cấp GCN quyền sử dụng đất vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Việc cấp GCN cho một số loại đất trên đại bàn thành phố chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp GCN đăng ký đất đai tiến độ chưa đạt mục tiêu; công tác quản lý, theo dõi đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn hạn chế…
      Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Về công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; trong ba năm từ 2015-2017, công tác bàn giao đất dịch vụ trên địa bàn một số quận huyện đã đạt được một số kết quả tích cực: Tính đến hết ngày 31/12/2017, toàn Thành phố đã tổ chức xét duyệt và giao đất dịch vụ đạt 57,85% (38.194/66.028 hộ) với diện tích đất đạt 44,51%. Một số quận, huyện đã thực hiện việc giao đất dịch vụ đạt trên 80% (về số hộ) như: Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoàng Mai, Thường Tín, Phúc Thọ. Tuy nhiên một số quận huyện đạt tỷ lệ rất thấp dưới 50% như: Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Chương Mỹ. Đáng lưu ý, còn một số quận, huyện còn nhiều vướng mắc như: Hoài Đức, Mê Linh, Hà Đông.                           Giám đốc Sở TNMT HN Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, để đảm bảo hiệu quả, theo đúng tinh thần chỉ thị 09 của Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp GCN; Thành lập các tổ công tác liên ngành, trực tiếp do đồng chí Giám đốc, các Phó giám đốc Sở xuống các quận huyện, thị xã kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc khó khăn. Kết quả cho thấy, sau khi tổ công tác liên ngành xuống làm việc trực tiếp với các địa phương, nhiều vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ, kết quả cấp GCN tại các quận, huyện, thị xã có chuyển biến rõ rệt.

Đồng chí Giám đốc Sở TNMT cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở đang chỉ đạo, tập trung triển khai dự án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đến nay các đơn vị thi công đã cơ bản đo đạc xong, đang tập trung triển khai các gói thầu tiếp theo của dự án.

Thời gian tới, nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả theo đúng tinh thần Chỉ thị 09 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các quận,huyện, thị xã tập trung rà soát, tháo gỡ các trường hợp còn vướng mắc. Đối với công tác giao đất dịch vụ cho người dân, đồng chí giám đốc Sở đề nghị các quận huyện tập trung khẩn trương giao ngay cho người dân đối với các trường hợp đã đủ điều kiện, không để bức xúc, khiếu kiện khéo dài. Đặc biệt là các quận,huyện có diện tích đất dịch vụ nhiều như Hà Đông và Hoài Đức.            Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tổng hợp các ý kiến thảo luận

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận và biểu dương kết quả mà Thành phố đã đạt được trong lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các Sở, ngành từ cấp Thành phố đến các quận, huyện, phường xã, đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các quận, huyện, thị xã, nhờ đó công tác cấp GCN trên địa bàn thành phố thời gian qua có sự phát triển bứt phá, “Thành ủy đã nhận được nhiều thư, lời cảm ơn của người dân khi được cầm sổ đỏ trong tay” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác cấp GCN trên địa bàn thành phố, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn khó khăn, vướng mắc, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ rõ trách nhiệm của của từng cấp, từng ngành: Các cấp ủy là trách nhiệm trong chỉ đạo đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, trong chỉ đạo chính quyền công khai, minh bạch hóa các thông tin quy định, quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký, kê khai đến mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để thực hiện.                       Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị

Đối với chính quyền các cấp là việc chỉ đạo thực hiện giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm; tiếp tục thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 09-CT/TU, Kế hoạch số 191/KH-UBND. Đối với các sở, ban, ngành là sự tăng cường phối hợp để tháo gỡ, kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc tại các địa phương trong quá trình xét cấp Giấy chứng nhận. 

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan đơn vị; thanh tra công vụ đối với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, đảm bảo công khai minh bạch, cải cách hành chính, không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà hay cò mồi lợi dụng.

Về công tác giao đất dịch vụ cho người dân, với mục tiêu hoàn thành việc giao đất ở, đất dịch vụ trước ngày 30/9/2018 và không làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề đất dịch vụ cho dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện. Trong đó, cần hết sức chú ý công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát, duy trì chế độ thông tin, báo cáo, giao ban tháo gỡ khó khăn. Xác định việc cấp Giấy chứng nhận, giao đất ở, đất dịch vụ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, do đó phải thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân./.
                                                                                                           Anh Minh