xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến đê điều, thuỷ lợi, hồ chứa

01/06/2016
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sáng 26/5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá kết quả hoạt động công tác phòng, chống thiên tai từ đầu năm 2016 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, chủ trì buổi họp.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) thành phố đã tích cực chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các ngành liên quan quan tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, các hồ chứa, công trình thuỷ lợi, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp sửa chữa, lập phương án phòng chống, bão, úng trong mùa mưa bão năm 2016. Trong đó, thường xuyên thực hiện kiểm kê vật tư dự trữ tại các kho, bãi trên các tuyến đê thuộc thành phố quản lý.
Đối với ngành Nông nghiệp và PTNT đã có các văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các do anh nghiệp thuỷ lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ, đập trên địa bàn thành phố. Rà soát quy trình tích nước và vận hành, xem xét những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2016. Ngành cũng đã xây dựng phương án về phòng chống hạn, úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2016. 
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng thực hiện xử lý và ngăn chặn vi phạm pháp luật đê điều, công trình thuỷ lợi trên địa bàn. Sở đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2016 trên cơ sở xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm thành phố năm 2016. Các do anh nghiệp thuỷ lợi cũng tích cực đầu tư, tu sửa các trạm bơm tiêu úng. Tu sửa các công trình thuỷ lợi nội đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông nội đồng. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiêu nước đệm trước khi có mưa lớn, đặc biệt đối với diện tích vùng trũng đề phòng ngập, việc này đã đảm bảo hạn chế được thiệt hại cho các cây trồng, vật nuôi.
Cùng với ngành nông nghiệp, Sở Xây dựng cũng có kế hoạch đảm bảo thoát nước, chống úng ngập mùa mưa năm 2016 khu vực đô thị thành phố, xây dựng được phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016. Tổ chức, duy trì công tác ứng trực tại 32 điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trong khu vực nội thành trong trường hợp mưa từ 50 - 100mm. Cùng với đó Sở GTVT, lực lượng công an cũng tổ chức phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể, chuẩn bị lực lượng, thiết bị, phương tiện, bố trí vật tư ở những khu vực trọng yếu để đảm bảo giao thông thông suốt.
Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm, xe hút tec, các thiết bị phương tiện cơ giới, thực hiện cắt tỉa những cây xanh mục rỗng nguy hiểm để đảm bảo giao thông đi lại an toàn cho bà con nhân dân…
Tại buổi họp, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội cũng tập trung đánh giá về công tác chỉ đạo, đối phó trận mưa lớn đêm 24/5 kéo dài đến sáng 25/5 vừa qua. Trong đó tập trung đánh giá tình hình úng ngập ở khu vực nội thành, công tác đi kiểm tra thực tế tại các huyện, thị xã bị ảnh hưởng, đồng thời, chỉ đạo công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lớn, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, sớm ổn định đời sống nhân dân. Các đại biểu thống nhất thực hiện công tác trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, kịp thời tham mưu ứng phó với các tình huống thiên tai.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ huy cần thường xuyên thực hiện quy chế thông tin báo cáo, thông tin liên lạc. Các đơn vị, các thành viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo có sự chỉ đạo thông suốt, có phương xử lý các tình huống kịp thời, hiệu quả.
Các đơn vị cần nghiên cứu đánh giá được những rủi ro, nêu những cách thức ứng phó hợp lý nhất, tăng cường công tác kiểm tra đối với từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến đê điều, thuỷ lợi, hồ chứa. Kiểm tra xác định điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm. Ngoài công tác dự báo thiên tai cần có những thống kê về công trình nhà ở, trang trại, hoa màu nhất là khu vực ven các sông để từ đó triển khai các giải pháp đảm bảo giảm thiểu tối đa các thiệt có thể xảy ra.
Cũng tại buổi họp đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng đưa những kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai, đánh giá những mặt hạn chế. Đồng chí yêu cầu các quận, huyện, sở ngành đánh giá chính xác thiệt hại của đợt mưa lớn vừa qua, đồng thời, cần tích cực tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai để người dân chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Phó chủ tịch yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nghiên cứu phối hợp với các đơn vị xây dựng các tin bài tuyên truyền, tổ chức làm phóng sự trực quan để người dân nắm bắt thông tin về phòng chống thiên tai, ngăn ngừa các vi phạm về đê điều, thuỷ lợi.
Lê Tâm (26/05/2016, http://hanoi.gov.vn/)