Biến đổi khí hậu đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất

03/07/2024
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Một trong những tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất là làm đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất. Bởi thế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cần sớm hoạch định xây dựng được những chính sách, định hướng quản lý, sử dụng tài nguyên đất một cách bền vững.

* Khô hạn, xói mòn, nước biển dâng - mối lo cho tài nguyên đất

Theo nghiên cứu của TS. Võ Diệu Linh – trường Đại học TN&MT Hà Nội, Việt Nam đang hứng chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng như: Bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, lũ quét trong mùa mưa và nắng nóng; hạn hán, rét hại, xâm nhập mặn trong mùa khô... Các tác động này được dự đoán sẽ trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai cũng như hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trong đó, biến đổi khí hậu gây rối loạn chế độ mưa, nguy cơ nắng nóng nhiều hơn, làm cho lượng dinh dưỡng trong đất mất đi, làm đất có hiện tượng xói mòn, khô hạn... Nước biển dâng, thiên tai, bão lũ gia tăng cũng làm xuất hiện hiện tượng nhiễm mặn, ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển... dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất.

Sự phân bố không hài hòa giữa chế độ nhiệt và chế độ mưa tạo nên khí hậu khắc nghiệt, có khả năng gây ra tình trạng đất bị khô hạn, bán khô hạn, xảy ra ở vùng khí hậu Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Tại những vùng này, nắng nóng, hạn hán kéo dài, làm tăng nguy cơ đất đai bị khô cằn. Nguy cơ nắng nóng và đất đai bị khô cằn nhiều hơn dẫn đến làm giảm chất lượng tài nguyên đất. 

Năm 2020, Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai, Trung tâm Đánh giá đất, Tổng cục Quản lý đất đai đã công bố kết quả đánh giá khô hạn toàn quốc trên cơ sở xác định hệ số khô hạn (K1), số tháng khô hạn/năm và mức độ khô hạn dựa vào số liệu khí tượng của các trạm khí tượng trên địa bàn cả nước cùng yếu tố tưới của khu vực sử dụng đất. Cho thấy, diện tích đất bị khô hạn là 16.777 nghìn ha, chiếm 57,59 % diện tích điều tra và chiếm 50,65 % diện tích tự nhiên của cả nước. Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng khô hạn nhất trên cả nước, một số nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận thường phải đối mặt với hạn hán kéo dài trong các tháng mùa khô.

Biến đổi khí hậu làm thay đổi chế độ mưa, nắng với nguy cơ nắng nóng nhiều hơn và lượng mưa thay đổi theo chiều hướng tăng trong mùa mưa gây ra hiện tượng xói mòn nhiều hơn, khiến cho lượng dinh dưỡng trong đất bị mất cao hơn trong suốt các đợt mưa dài. Ước tính lượng đất mất do xói mòn trên cả nước lên tới 2 tỷ tấn/năm.

Hiện tượng ngập lụt do nước biển dâng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa chính đến tài nguyên đất của các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam.

Theo “Kịch bản BĐKH, phiên bản cập nhật năm 2020” - Bộ TN&MT cho thấy, tỷ lệ ngập úng với mực nước biển dâng nếu tăng lên 100 cm sẽ có khoảng 47,29 % diện tích toàn vùng có nguy cơ bị ngập và sụt lún nghiêm trọng, trong đó các tỉnh có tỷ lệ ngập lớn nhất là Cần Thơ (55,82 %), Hậu Giang (60,85 %), Bạc Liêu (61,87 %), Kiên Giang (75,68 %), Cà Mau (79,62 %).

 Ngoài ra, cùng với gia tăng mức độ ngập, việc dâng cao mực nước biển sẽ gia tăng mạnh hiện tượng xâm nhập mặn vào các dòng chính và kênh rạch, gây mặn hoá nước, đất, thay đổi tính chất hệ sinh thái tự nhiên của vùng và ảnh hưởng xấu đến cấp nước ngọt cho sinh hoạt, nông nghiệp, dịch vụ. 

* Xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho quản lý và sử dụng đất bền vững

Theo nghiên cứu của TS. Hán Thị Ngân, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để sử dụng bền vững tài nguyên đất cần sự vào cuộc của toàn bộ máy chính trị, các nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân.

Một số nhóm giải pháp mà TS. Hán Thị Ngân đề xuất đó là, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý và sử dụng đất bền vững trong đó chú trọng đất nông nghiệp, có quy định chặt chẽ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, phân loại khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực không được phép chuyển mục đích sử dụng đất. Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng được giao thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất bị thoái hóa và cũng nêu rõ trách nhiệm nếu để xảy ra thoái hóa đất.

Cùng với việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý và sử dụng đất bền vững, Chính phủ cần tập trung bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giữ vững diện tích rừng hiện có (khoảng 10 triệu ha rừng tự nhiên và 4 triệu ha rừng trồng). Đây là xu hướng chung của toàn thế giới, với đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là nước có đa dạng sinh học cao, bảo vệ và phát triển rừng không những bảo tồn, phát huy được tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái mà còn mang lại nhiều giá trị lớn hơn nữa về môi trường trong đó có vai trò “giữ đất, giữ nước” của rừng.

Bên cạnh đó, dựa vào tính chất tự nhiên của đất, các cấp, ngành, địa phương cần tính toán ngưỡng chịu tải các chất ô nhiễm của đất nhằm bảo tồn, phát huy vai trò phục vụ canh tác nông nghiệp của đất. Nghiên cứu kỹ thuật áp dụng cho canh tác đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho con người và suy trì sức sản xuất bền vững của đất. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, từng cộng đồng trong trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đất nói riêng góp phần bảo vệ môi trường sống cho chính mình và các thế hệ mai sau.