Hiện nay, ở Việt Nam các loài sinh vật ngoại lai, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học nói chung và ở khu vực Hà Nội nói riêng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú,... Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như: theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trong thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều và đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, như: loài ốc Bươu vàng, Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương,... đã trở thành những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.
Với những lý do trên, Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu xây dựng: “Atlat các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhằm thống kê, đánh giá hiện trạng, thành phần loài, tập tính sinh học, khu vực phân bố trên địa bàn thành phố để các quận, huyện, xã , phường dễ dàng nhận biết để chủ động trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các loại sinh vật ngoại lai trên địa bàn.
Họ Emydidae
Bộ Testudines
Tên khác: Chưa rõ
Nguồn gốc: Nam Mỹ và Trung Mỹ.
Đặc điểm hình thái:
Có kích thước trung bình. Cá thể trưởng thành có kích thước mai dài từ 125 - 289 mm hay 150 - 350 mm. Đặc điểm nổi bật của loài này là có vệt màu vàng hoặc đỏ ở hai bên của đầu. Mai và da có màu ôliu đến nâu với các sọc hoặc chấm màu vàng, có đuôi dài và dày, con đực thường có kích thước lớn hơn con cái. Trứng có hình êlíp, dài 31 - 43 mm, rộng 19 - 26 mm và nặng 6,1 - 15,4 gram.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
Sống trong môi trường nước ngọt gồm sông, hồ, suối. Ưa thích các vùng nước tĩnh lặng và rộng lớn với đáy mềm, nhiều thực vật thủy sinh và địa điểm sưởi nắng phù hợp. Có khả năng thích ứng cao và có thể tồn tại từ những nơi nước tù đọng đến các kênh rạch nhân tạo, các hồ trong công viên. Rùa nhỏ thường chỉ hoạt động ở những vùng thực vật nổi lớn. Thường chỉ sống ở những nơi có nhiệt độ từ 10 - 37oC. Thời gian ấp trứng từ 59 - 112 ngày và thời gian trứng nở phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nếu nhiệt độ từ 22 - 30oC thì trứng thường nở sau 55 - 80 ngày. Bên cạnh đó, giới tính của rùa cũng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, trong điều kiện khí hậu mát trứng phát triển thành con đực và trong điều kiện nóng ấm sẽ phát triển thành con cái.
Rùa tai đỏ có khả năng cạnh tranh mạnh vì có những đặc điểm nhưtrưởng thành sớm, sinh sản mạnh và kích thước lớn khi trưởng thành. Loài này có thể cạnh tranh thức ăn, nơi đẻ trứng, nơi sưởi nắng với các loài bản địa khác và khá hung dữ. Gây ảnh hưởng, tác động đến nguy cơ tuyệt chủng của loài rùa bản địa.
Phương pháp phòng trừ:
Có thể được bắt bằng tay hoặc dùng bẫy. Sử dụng cáctấm ván nổi để bắt rùa tai đỏ khi ra sưởi nắng và có thể phối hợp thêm mồi để làm bẫy. Ngoài ra, có thể dùng chó để phát hiện rùa và trứng rùa.
Phân bố:
Thế giới:Phân bố ở một số nước trên thế giới như: Úc, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Singapore, Đài Loan,...
Việt Nam:Phân bố ở nhiều tỉnh/thành của Việt Nam như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh,...
Hà Nội: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.