Hiện nay, ở Việt Nam các loài sinh vật ngoại lai, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học nói chung và ở khu vực Hà Nội nói riêng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú,... Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như: theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trong thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều và đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, như: loài ốc Bươu vàng, Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương,... đã trở thành những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.
Với những lý do trên, Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu xây dựng: “Atlat các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhằm thống kê, đánh giá hiện trạng, thành phần loài, tập tính sinh học, khu vực phân bố trên địa bàn thành phố để các quận, huyện, xã , phường dễ dàng nhận biết để chủ động trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các loại sinh vật ngoại lai trên địa bàn.
7.CÁ TỲ BÀ LỚN - Pterygoplichthys pardalis
Tên khác: Cá dọn bểlớn, Cá cọbểlớn, Cá lau kính lớn.
Nguồn gốc: Nam Mỹ
Đặc điểm hình thái:
Thân và đầu dẹp phẳng. Vây lưng cao, cứng và thẳng đứng. Vây ngực rộng và xoè. Vây đuôi nhỏ, dày, cuống đuôi không dẹp xuống. Thân có hoa văn màu trắng, thân cá sần, thô ráp.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
Có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau, trải rộng từ môi trường nước mát, dòng chảy xiết và giàu ô xy tại các vùng cao tới dòng chảy chậm (sông) ở khu vực đồng bằng và các hồ nghèo ô xy. Là loài cá nhiệt đới, nhưng cũng có thể chịu được nhiệt độ thấp từ 8,8 - 11°C và phát triển mạnh khi pH từ 5,5 - 8, có khả năng chịu được nguồn nước nghèo chất dinh dưỡng hoặc những vùng nước bị ô nhiễm và có thể dễ dàng thích ứng với sự thay đổi chất lượng nước. Thưc ăn chủ yếu là tảo, ấu trùng của côn trùng, trứng cá và một số sinh vật đáy khác.
Tác hại chủ yếu do cá Tỳ bà lớn gây ra là làm thay đổi chuỗi thức ăn của nhiều loài thủy sinh vật, cạnh tranh thức ăn, nơi sinh sống của các loài bản địa, làm thay đổi các khu hệ động, thực vật thủy sinh và gây thiệt hại cho các ngành ngư nghiệp và công nghiệp.
Phương pháp phòng trừ:
Không phóng thích vào các thuỷ vực tự nhiên.
Đánh bắt cá trưởng thành, cá con và trứng tại các hang ổ của chúng trong mùa sinh sản. Dùng lưới vét đánh bắt cá bố mẹ khi thu hoạch. Tát cạn ao nuôi và dùng vôi bột để làm sạch ao nuôi và tiêu diệt trứng cá và cá con.
Phân bố:
Thế giới:Inđônêxia, Mêxicô, Philíppin, Puerto Rico, Hoa Kỳ,…
Việt Nam:Được phát hiện trong các thủy vực tự nhiên tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ,...
Hà Nội: Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Thường Tín, thị xã Sơn Tây, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.