Hiện nay, ở Việt Nam các loài sinh vật ngoại lai, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học nói chung và ở khu vực Hà Nội nói riêng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú,... Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như: theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trong thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều và đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, như: loài ốc Bươu vàng, Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương,... đã trở thành những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.
Với những lý do trên, Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu xây dựng: “Atlat các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhằm thống kê, đánh giá hiện trạng, thành phần loài, tập tính sinh học, khu vực phân bố trên địa bàn thành phố để các quận, huyện, xã , phường dễ dàng nhận biết để chủ động trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các loại sinh vật ngoại lai trên địa bàn.
8.CÁ CHIM TRẮNG TOÀN THÂN - Piaractus brachypomus (G. Cuvier,1818)
Họ Cá Chim trắng - Serrasalmidae
Bộ Cá Chim trắng nước ngọt - Characiformes
Nguồn gốc:Khu vực sinh sống bản địa là lưu vực các sông Amazon và Orinoco tại Colombia, Venezuela, Peru, Bolivia và Brasil, cũng được ghi nhận có ở Argentina.
Tên khác: Cá chim trắng nước ngọt, cá Pacu bụng đỏ
Đặc điểm hình thái:
Cơ thể sâu và dẹp bên, với hai bên mình có màu trắng bạc và sẫm dần về phía gần lưng. Màu đỏ có ở bụng, cằm, vây ngực và đôi khi cũng có ở các tia vây trước của vây hậu môn. Các tia vây khác sẫm màu đồng nhất. Vây béo nhỏ, không chia thành tia, vây nằm ở khoảng giữa vây lưng và vây đuôi. Số lượng tia vây: có 15-18 vây lưng, 16-19 vây ngực, 24-28 vây hậu môn và 8 vây chậu. Vài tia vây đầu tiên của vây lưng và vây hậu môn dài hơn các tia vây còn lại. Răng sắc nhọn hình răng cưa, được hình thành từ vảy bị biến đổi nằm ở phần bụng, để nghiền hạt và quả. Công thức bộ răng của chúng bao gồm 2 dãy răng cửa có hình dạng răng hàm nằm trên xương tiền hàm trên và một hàng răng trên xương hàm dưới.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
Thức ănchủ yếu là cỏ, các loại quả và hạt nhưng cũng ăn cả côn trùng, động vật phù du và cá nhỏ. Trong các bể cá cảnh thì người ta thường cho nó ăn loại thức ăn đa dạng bao gồm các viên hay mẩu thức ăn sấy khô có chất lượng, cùng nhiều rau và quả. Rau chân vịt, lá rau diếp, các loại rau quả như táo, chuối, đào, nho, bí xanh, lê, cải bắp và cà rốt cũng là nguồn thức ăn tốt. Đôi khi chúng cũng ăn thức ăn trôi nổi. Chúng có bộ răng cửa rất cứng và sắc nên nhiều người lầm đó là loài cá dữ, nhưng thực chất lại hiền lành, chậm chạp.
Phương pháp phòng trừ:
Chỉ nên giới hạn ở những vùng được xem là an toàn, có điều kiện che chắn (đê bao, đăng, lưới). Không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi và những vùng nhạy cảm về sinh thái.
Phân bố:
- Thế giới:Lưu vực các sông Amazon và Orinoco tại Colombia, Venezuela, Peru, Bolivia và Brasil, Argentina và một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ðài Loan, Thái Lan,…
- Việt Nam: Có mặt tại nhiều khu vực nuôi cá ở trên toàn quốc.
- Hà Nội:Có mặt tại nhiều khu vực nuôi cá ở trên địa bàn các quận huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây.