Hiện nay, ở Việt Nam các loài sinh vật ngoại lai, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học nói chung và ở khu vực Hà Nội nói riêng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú,... Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như: theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trong thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều và đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, như: loài ốc Bươu vàng, Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương,... đã trở thành những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.
Với những lý do trên, Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu xây dựng: “Atlat các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhằm thống kê, đánh giá hiện trạng, thành phần loài, tập tính sinh học, khu vực phân bố trên địa bàn thành phố để các quận, huyện, xã , phường dễ dàng nhận biết để chủ động trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các loại sinh vật ngoại lai trên địa bàn.
13.BÈO TÂY - Eichhornia crassipes (Mart.) Solms
Họ Lục bình - Pontederiaceae Kunth
Tên khác:Bèo Lục bình,Bèo Nhật bản, Bèo tây
Nguồn gốc: Từ trung và Nam Mỹ, phân bố ban đầu ởlưu vựcsông Amazon và Braxin.Bèo tây đươc nhập vào Việt Nam từ năm 1902 và cho đến nay đã trở thành một loài cây phổ biến các vùng đầm lầy hồ ao, ruộng.
Đặc điểm hình thái:
Cây thảo thủy sinh, nổi, cao 0,3-2m. Rễ nhiều, dài, xơ. Thân cây rất ngắn; màu xanh hoặc tím, dài, 10-20 cm. Lá đơn; cuống lá màu vùng xanh đến xanh lục, 10-40 cm, xốp, thường phồng lên ở hoặc dưới giữa cuống; phiến lá gần tròn lá, hoặc bầu dục, kích thước 4,5-14,5x5-14 cm, da, không lông; gốc lá, tròn, hoặc hình nêm. Hoa có hoa hồng, hay tím nhạt. Cụm hoa, xoắn vặn, từ 4-15 (35) hoa; cuống cụm hoa, dài 35-45 cm. Tràng 6 cánh, màu xanh tía, hoặc tim phớt hồng, phía trên có màu vàng, viền xanh. với đốm vàng ở trung tâm mặt trên cánh tràng, hình dạng bầu dục đến bầu dục rộng. Nhị 6, 3 dài và 3 ngắn; sợi cong, có lông tuyến. Nhụy hoa dài, có lông tuyến. Quả dạng nang, có thành mỏng, khi chín quả có thể có tới 450 hạt, kích thước 1x4 mm.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
Sinh học:
Bèo tây là loài thực vật thủy sinh, sống trôi nổi trên mặt nước, thường cao 0,5 m. Nhưng tại một số nơi như ở khu vực Đông Nam Á, Bèo tây có thể cao lên đến 2 m. mọc thành từng đám lớn nổi dày đặc trên mặt nước, cụm hoa thẳng đứng, cao đến 50 cm, gồm một cụm duy nhất với 4-25 bông (tối đa là 35 bông), thông thường là 8-15 bông.
Bèo tây sinh sản rất nhanh, sự bành trướng của nó trong điều kiện thuận lợi có thể tăng theo cấp số nhân, chỉ cần vài cây xuất hiện trong thủy vực thì sau một thời gian ngắn nó đã phủ kín mặt nước tạo ra các bè lớn gây nhiều tác hại với môi trường. Tác hại dễ thấy là cản trở giao thông đường thủy, gây tắc nghẽn hệ thống tưới tiêu và dẫn đến tăng chi phí bảo dưỡng các công trình thủy lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đa dạng sinh học. Những thảm Bèo tây dày đặc trên mặt nước ngăn cản ánh sáng đối với các loài khác sống trong nước, giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước làm biến đổi hệ sinh thái và xâm hại quần thể các loài động, thực vật khác. Xác bèo khi phân hủy gây ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Mùa ra hoa tháng 7 đến tháng 10, có quả tháng 8 đến tháng 1 năm sau.
Sinh thái:
Bèo tây phát triển mạnh ở các châu lục trừ châu Âu do điều kiện khí hậu lạnh không thích hợp với môi trường sống của loài. Bèo tây mọc ở các hồ nước nông, đất ngập nước, đầm lầy, sông, hồ, ao,... Bèo tây có thể tồn tại, phát triển ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng, pH, nhiệt độ và nồng độ các chất độc dao động trong phạm vi lớn; phát triển mạnh ở những nơi giàu chất dinh dưỡng, nhất là nitơ, phốtpho và kali. Bèo tây không chịu được sương giá và nước mặn.
Loài này được liệt kê vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất trên thế giới.
Phương pháp phòng trừ:
Những khu vực có số lượng Bèo tây nhỏ có thể kiểm soát bằng cách vớt lên bờ, ủ thành đống hoăc phơi khô để tiêu hủy. Ngoài ra trong điều kiện cho phép có thể tháo cạn, phơi khô các thủy vực trong một thời gian để diệt Bèo tây.
Phân bố:
Thế giới:Loài ngoại lai xâm hại tại các nước như Papua New Guinea, Trung Quốc và nhiều nơi có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt trên thế giới.
Việt Nam:Phân bố rộng khắp tại 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam.
Hà Nội: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.