NHỮNG LOÀI xâm hại TRONG thông tư LIÊN TỊCH SỐ 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT CỦA BỘ Tài Nguyên và môi trường – BỘ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 26/9/2013 – cóY NGŨ SẮC - Lantana camara L

Email :
Hiện nay, ở Việt Nam các loài sinh vật ngoại lai, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học nói chung và ở khu vực Hà Nội nói riêng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú,... Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như: theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trong thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều và đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, như: loài ốc Bươu vàng, Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương,... đã trở thành những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.
Với những lý do trên, Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu xây dựng: “Atlat các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhằm thống kê, đánh giá hiện trạng, thành phần loài, tập tính sinh học, khu vực phân bố trên địa bàn thành phố để các  quận, huyện, xã , phường dễ dàng nhận biết để chủ động trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các loại sinh vật ngoại lai trên địa bàn.
 
14.CÂY NGŨ SẮC - Lantana camara L.
Họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae J.St.-Hil.
Tên khác: Cây Bông ổi, Cây hoa ngũ sắc
Nguồn gốc: Vùng nhiệt đớichâu Mỹ.
 
Đặc điểm hình thái:
Cây bụi  cao 1-3 m, với các cành dài yếu.Thân có gai nhọn, có lông cứng. Cuống lá 1-2 cm, có lông; Phiến lá bầu dục rộng, kích thước 3-8,5 x1,5-5 cm, măt lá, nhăn nheo, rất thô, với lông cứng ngắn, có mùi thơm khi nghiền nát, gốc lá tròn, đến gần, mép lá có răng cưa; gân bên 5 cặp, nổi rõ. Cụm hoa thường ở đầu cành,mọc thành cụm,  kích thước 1,5-2,5 cm. Hoa màu vàng hoặc cam, thường chuyển sang màu đỏ đậm ngay sau khi mở. Bầu nhỏ,  không lông. Quả màu tím hay màu xanh đen, hình tròn, kích thước 4 x 6 mm, có 2 hạt.
Đặc điểm sinh học, sinh thái
Sinh học:
Là loài cây bụi nhỏ và có mùi đặc trưng. Bộ rễ của loài này phát triển mạnh và mọc ra nhiều rễ sau khi cây bị chặt. Lá mọc đối, hình trứng, viền lá răng cưa. Hoa nhỏ mọc thành cụm, thường có màu da cam, có thể có màu trắng tới đỏ trong điều kiện chiếu sáng khác nhau, ở giữa có màu vàng và cây ra hoa gần như quanh năm. Quả nhỏ, có màu xanh đen, quả hạch, mang 2 hạt, dễ nảy mầm và được phán tán nhờ chim.
Cây Ngũ sắc phân bố rộng nhờ khả năng thích ứng với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau, mọc, phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Cây Ngũ sắc mọc tốt nhất trong điều kiện dưới các tán mở, nơi có nhiều ánh sáng mặt trời như ở nơi đất bỏ hoang, vùng bìa rừng, dải đất ven bờ biển, rừng mới tái sinh sau khi cháy hoặc bị chặt. Mặc dù, cây Ngũ sắc không có khả năng xâm hại vào rừng nguyên sinh, rừng khép tán và chỉ phát triển ở vùng bìa rừng. Những nơi rừng bị khai thác chọn, bị chặt phá đã tạo ra các vùng tán mở là điều kiện cho cây Ngũ sắc mọc và tiếp tục phát tán.
Sinh thái:
Cây Ngũ sắc có thể mọc ở độ cao tới 2.000 m so với mực nước biển. Có thể phát triển trong các khu rừng trồng chưa khép tán, song ra ít hoa. Cây Ngũ sắc mọc nhiều ở những vùng khí hậu nhiệt đới có lượng mưa khoảng 3.000 mm/năm và ít khi xuất hiện ở những nơi có nhiệt độ xuống dưới 5oC. Hiện nay, cây Ngũ sắc là một trong những loài cỏ dại nguy hại đối với các hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp tại một số vùng nhiệt đới châu Á, chúng mọc thành thảm dày đặc và lấn át các loài khác. Trong rừng tái sinh cây Ngũ sắc có thể trở thành loài ưu thế tầng cây bụi, làm biến đổi diễn thế sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học. Ngoài ra, cây Ngũ sắc còn tiết chất phytocyt ức chế các loài xung quanh, đe dọa tuyệt chủng một số loài thực vật bản địa.
Loài này được liệt kê vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất trên thế giới.
Phương pháp phòng trừ:
Áp dụng biện pháp cắt và nhổ là thích hợp với diện tích nhỏ, ngoài ra khi cần có thể tiến hành đốt trên những diện tích xâm hại lớn. Hiện đã phát hiện có khoảng 40 tác nhân sinh học và đã khảo nghiệm sử dụng để diệt trừ cây Ngũ sắc tại hơn 33 quốc gia nhưng mới chỉ xác nhận được hiệu quả sơ bộ của một số loài côn trùng như Teleonemia scrupulosa (Hemiptera), Octotoma scabripennis (Coleoptera), Uroplata girardi (Coleoptera) và Ophiomyia lantanae (Diptera).
Phân bố:
Thế giới:Được ghi nhận là sinh vật ngoại lai xâm hại tại các nước như Ấn Độ, Kenya,...
Việt Nam:Hiện nay đã lan rộng tại khắp mọi miền đất nước.
Hà Nội: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.