NHỮNG LOÀI NGOẠI LAI xâm hại KHÁC - BỌ xãT HẠT MÀU - Triatoma rubrofasciata (De Geer, 1773)

Email :
Hiện nay, ở Việt Nam các loài sinh vật ngoại lai, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học nói chung và ở khu vực Hà Nội nói riêng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú,... Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như: theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Trong thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều và đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, như: loài ốc Bươu vàng, Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương,... đã trở thành những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.
Với những lý do trên, Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu xây dựng: “Atlat các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhằm thống kê, đánh giá hiện trạng, thành phần loài, tập tính sinh học, khu vực phân bố trên địa bàn thành phố để các  quận, huyện, xã , phường dễ dàng nhận biết để chủ động trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các loại sinh vật ngoại lai trên địa bàn.
 
25.BỌ XÍT HÚT MÁU - Triatoma rubrofasciata (De Geer, 1773)
Phân họ - Triatominae
Họ bọ xít ăn sâu - Reduviidae
Bộ Cánh khác - Heteroptera
Tên khác: Chưa rõ
Nguồn gốc:Nam Mỹ
Đặc điểm hình thái:
Bọ xít hút máu Triatoma rubrofassiata có chiều dài khoảng 1 - 3,5cm tùy thuộc vào con còn non hay trưởng thành với kích thước trung bình chung khoảng 2 cm. Chúng có cơ thể to và dẹt, có vòi cong, có kim chích dài ba đốt, rất khỏe. Phần gốc vòi cong, không dính sát đầu, mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi và có nọc độc làm tê liệt con mồi. Phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. 
Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu. Chúng có cánh nhưng chủ yếu là di chuyển bằng hình thức bò. Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giườngtủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà. Trứng có kích thước khoảng 1-1,5mm và màu trắng ngà. Dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết của loài bọ xít này là có thân sọc vàng nâu đặc trưng và có nhiều vằn màu vàng trên cơ thể.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
 
Bọ xút hút máu sinh trưởng rất nhanh và mạnh. Một trưởng thành cái bọ xít hút máu có khả năng đẻ được 200-250 trứng. Bọ xít mới sinh đã hút máu được ngay, loài này cũng có đặc điểm đáng chú ý là có khả năng nhịn đói rất tốt, chỉ cần hút máu 2-3 lần/năm là có thể sống hết cả vòng đời. Nếu đã hút máu người, chỉ 1-2 ngày sau, trưởng thành cái sẽ đẻ trứng. Mỗi đợt đẻ khoảng 150-200 quả. Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện và khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non. Nếu có một cá thể cái đẻ trứng trong nhà thì khoảng 20 ngày sau trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện.
Hình thái trưởng thành Bọ xít hút máu
Kích thước của trưởng thành cái chiều dài trung bình khoảng 22,20 mm, chiều rộng là 8,25mm; Trưởng thành đực có chiều dài 20,30 mm và rộng là 7,35 mm.
Các loài bọ xít hút máu trong tự nhiên thường trú ẩn trong các bụi cây, trong bẹ khô của các loài họ cọ, dừa hay trong những đống cành khô. Chúng làm tổ gần ổ của động vật, gần các lán trại của con người, nơi chúng có thể có được nguồn máu. Những nơi trú ẩn của BXHM xung quanh con người bao gồm chuồng, ổ của gia súc, gia cầm, trong kho chứa, trong các khe nứt và lỗ trên tường vách và mái nhà. Khi chúng phát tán vào nhà, có tập tính là sống gần người trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ.
Phương pháp phòng trừ:
Tìm và phát hiện bọ xít hút máu ở tất cả các giai đoạn phát triển như: trứng, ấu trùng và trưởng thành và tiêu diệt bằng biện pháp cơ học.
Vệ sinh nhà cửa và xung quanh nơi ở để hạn chế nơi trú ngụ, tạo ổ của bọ xít hút máu.
Phân bố:
- Thế giới:Là phân bố rộng rãi nhất trên toàn thế giới, trải rộng từ Hoa Kỳ Bắc Mỹ (Florida, Hawaii) đến Trung Mỹ (Mexico) và Châu Mỹ Latinh (Argentina-Buenos Aires, Brazil-Atlantic ven biển, Cuba, và hầu hết các quốc gia khác Các đảo Caribbean, Guiana thuộc Pháp, Suriname và Venezuela), từ các vùng ven biển của Châu Phi (Angola, Congo-Katanga, Guinea-Conakry, Seychelles, Sierra Leone, Nam Phi, Tanzania, Reunion và New Guinea) đến Trung Đông (Ả Rập Saudi ) và từ Nam Á-tây Thái Bình Dương (Ấn Độ-Tamil Nadu, Trung Quốc, Indo nesia, Malaysia, SirLanka, Singapura, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Thái Lan-Bangkok, Việt Nam, Quần đảo Andaman, Tonga, Burma-Myanmar, Campuchia, Quần đảo Carolina , Quần đảo Comoros, Madagascar, Mauritius, Quần đảo Rodriguez, Sri Lanka, Singapore và Seychelles) đến Đại Tây Dương.
- Việt Nam:  Khắp các vùng trong cả nước.
- Hà Nội: Xuất hiện tại 21 quận huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Từ Liêm, Tây Hồ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Ứng Hoà.