Góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

07/09/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Chính phủ mới ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, nghị định quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Dư luận kỳ vọng, đây sẽ là hành lang pháp lý giúp cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tiếp tục vào cuộc với quyết tâm cao góp phần tạo kỷ cương, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái: 
Hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe 
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, những năm qua, các vấn đề bức xúc về môi trường của Hà Nội từng bước được giải quyết. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước, chất thải, không khí được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, từ Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo được ban hành, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP mới ban hành với nhiều chế tài tăng nặng, như mức phạt tiền gấp 2 lần (với cá nhân 1 tỷ đồng, với tổ chức 2 tỷ đồng) và đối tượng vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường hoặc đình chỉ có thời hạn về xử lý vi phạm hành chính... sẽ là hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng: 
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm
Quận Thanh Xuân luôn xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, cùng với đề cao công tác tuyên truyền, quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố khảo sát các điểm đặt trạm quan trắc không khí tự động; báo cáo thành phố di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành…
Thời gian tới, quận tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tuyên truyền Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ tới các tổ chức, cá nhân, quận sẽ tăng cường kiểm tra và ngăn chặn kịp thời, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh: 
Tăng cường kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm
Những năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo nâng cao tiêu chí môi trường, huyện Phú Xuyên đã tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với công tác bảo vệ môi trường, nhất là với các trường hợp đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng... Tại các khu vực có cơ sở gây ô nhiễm môi trường, lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nên chất lượng môi trường tại các xã được cải thiện đáng kể. Thực hiện Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ môi trường.
Ông Lê Trọng Phong, đảng viên Chi bộ số 16 (phường Đức Giang, quận Long Biên): 
Góp phần xử lý triệt để vi phạm phát sinh
Thời gian qua, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp thiếu quyết liệt trong xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nên hầu hết người vi phạm đều có tâm lý làm bừa, nếu bị phát hiện thì nộp tiền là xong. Để khắc phục vấn đề này, ngoài tăng cường xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như yêu cầu khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định và buộc phá dỡ công trình, thiết bị xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường... Đây là chế tài đủ mạnh để các cấp, ngành, địa phương xử lý triệt để vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Khu chung cư Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm): 
Tạo thói quen tốt trong phân loại rác thải, bảo vệ môi trường
Một trong những điểm mới của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là việc bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Đây cũng là quy định mới nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường. Hy vọng, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tạo thói quen tốt trong phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.