Đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo phát huy nguồn lực đất đai cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19

30/12/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 27/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có Tờ trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo phát huy nguồn lực đất đai cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19
 

Thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp và chỉ đạo thực hiện chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai; kiểm tra, rà soát các dự án, công trình không triển khai hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, pháp luật về đất đai; đẩy mạnh, sắp xếp, xử lý các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; kiểm kê quỹ đất chưa sử dụng để đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, qua kiểm kê, thống kê đất đai và quá trình Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2013 cho thấy vẫn còn tình trạng dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng; quỹ đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chậm được sắp xếp, đổi mới để quản lý sử dụng hiệu quả; nhiều địa phương gặp khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết, khắc phục tồn tại theo kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư gây lãng phí nguồn lực đất đai v.v. Nếu kịp thời giải quyết những vấn đề nêu trên sẽ tạo được nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị, xã hội, giảm lãng phí nguồn lực. Đây là những vấn đề lớn, khó khăn, phức tạp, mang tính liên ngành cần có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất để giải quyết một cách tổng thể, căn cơ, bài bản. Mặt khác, để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đề xuất thí điểm một số cơ chế chính sách về đất đai nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, huy động nguồn lực từ đất đai.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy nguồn lực đất đai cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo) với những nội dung sau:

Về nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai Đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19, cụ thể:

Rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đất của dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí; quỹ đất của các nông, lâm trường; đất chưa sử dụng; các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán v.v trên phạm vi cả nước.

Tổng hợp, phân loại các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền của từng cấp; báo cáo đề xuất với Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các chủ trương, cơ chế, chính sách để giải quyết đối với những vấn đề vượt khó, phức tạp thẩm quyền của Chính phủ, chưa được pháp luật quy định, chưa có tiền lệ xử lý để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực, tránh đầu cơ, lãng phí; phòng, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai.

Chỉ đạo đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương đột phá, cơ chế thí điểm để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khả năng tiếp cận đất đai nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.

Thành phần Ban Chỉ đạo

Căn cứ vai trò, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành phần của Ban Chỉ đạo như sau:

Trưởng ban: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Trưởng ban:

Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

 Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Các ủy viên:

Mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Trung ương; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước.

Đại diện Lãnh đạo các Bộ và cơ quan của Chính phủ: Quốc phòng; Công an; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Chế độ làm việc của thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình trong thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.