chính sách, giải pháp thúc đẩy Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam

23/11/2017
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) phát triển ở một quốc gia dưới dạng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) là công cụ trợ giúp trực tiếp vào xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. NSDI ở mỗi quốc gia là cơ sở để xây dựng SDI toàn cầu - công cụ thông tin trợ giúp tích cực cho con người quyết định chính xác về những bước phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Trái đất.
 
Ở nước ta việc xây dựng dữ liệu không gian và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian được đặt ra khá sớm. Năm 1996, Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã bắt đầu lập Dự án khả thi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên đất (bao gồm CSDL địa lý và CSDL đất đai). Dự án được Chính phủ phê duyệt năm 1998, bắt đầu triển khai năm 1999, là một trong 7 CSDL quốc gia được phê duyệt vào thời điểm đó. Công tác xây dựng dữ liệu đo đạc bản đồ cơ bản và dữ liệu địa chính được đẩy mạnh, từ năm 2006, bắt đầu xây dựng chuẩn nội dung dữ liệu, v.v... Tổng kinh phí đầu tư hàng năm cho thu thập dữ liệu không gian khung là khoảng 74 triệu USD, cho hệ thống mạng khoảng 1 triệu USD và cho thiết bị và công nghệ khoảng 2 triệu USD.
 
Tuy nhiên việc phát triển NSDI ở Việt Nam vẫn còn đơn lẻ, thiếu tính nhất quán. Cụ thể, Việt Nam đã có một số chính sách phát triển hạ tầng dữ liệu không gian, nhưng các chính sách này mang tính đơn lẻ, chưa đồng bộ, thống nhất theo hướng một hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia thống nhất. Trong các thành phần của NSDI, mới chỉ tập trung phát triển thành phần dữ liệu là chính, thành phần chuẩn chỉ mới bắt đầu, thành phần công nghệ chưa thật đồng bộ, các thành phần khác còn rất hạn chế.
 
Về hoạt động phát triển thành phần dữ liệu được giao cho nhiều bộ, ngành. Đo đạc - bản đồ cơ bản, một phần đo đạc biển, viễn thám; đo đạc - bản đồ chuyên ngành đất đai, địa chất - khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện; đo đạc - bản đồ các chuyên ngành khác do các bộ ngành khác thực hiện. Năm 2013, Chính phủ đã giao nhiệm vụ “Xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác hạ tầng dữ liệu không gian địa lý” cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng vẫn chưa có một cơ quan của Chính phủ điều phối giữa các bộ, ngành về NSDI.
 
Cùng với đó, việc xây dựng dữ liệu không gian khung và dữ liệu địa chính đã được đầu tư khá lớn và đã khá đầy đủ và đa dạng, nhưng việc sử dụng các dữ liệu này còn hạn chế, chưa phát huy được hết năng lực thông tin, chưa phục vụ được nhu cầu hiện đại hóa quy hoạch thông qua phân tích không gian. Các dữ liệu không gian này chưa được cập nhật thường xuyên. Các dữ liệu không gian đang tồn tại dưới dạng tập hợp dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu đơn lẻ, chưa được kết nối trong một hạ tầng thông tin không gian thống nhất. Cho đến nay, chưa có một địa phương nào công khai thông tin đất đai trên mạng. Sự cát cứ thông tin đang xẩy ra trong các cơ quan nhà nước có trách nhiệm lưu trữ và quản lý thông tin, do đó, do anh nghiệp và người dân khó tiếp cận thông tin.
 
Về chuẩn, mới ban hành được một số chuẩn như: chuẩn thông tin địa lý cơ sở; chuẩn dữ liệu nền địa lý 1:2.000, 1:5:000; chuẩn dữ liệu địa chính; chuẩn địa danh thể hiện trên bản đồ. Nhiều chuẩn dữ liệu khác và chuẩn dịch vụ thông tin chưa được ban hành.
 
Bên cạnh đó, công nghệ thu thập và xử lý dữ liệu không gian được áp dụng từ hơn 20 năm nay đã mang lại hiệu quả rất lớn, tuy nhiên trong vài năm gần đây đầu tư cho đổi mới công nghệ có chiều hướng giảm. Các giải pháp về kiến trúc hệ thống, về mạng viễn thông, về thiết bị thông tin, về an toàn và bảo mật chưa được phát triển một cách đồng bộ theo hướng phát triển NSDI thống nhất. Công nghệ ICT và công nghệ GIS đang có tốc độ phát triển khá nhanh trên thế giới. Việt Nam có thể lựa chọn các giải pháp mới về công nghệ cho phát triển NSDI. 
 
Ngoài ra, các do anh nghiệp kinh doanh công nghệ ICT ở Việt Nam tiếp cận khá tốt với trình độ công nghệ trên thế giới nhưng hầu như chưa kinh doanh dịch vụ về thông tin không gian do e ngại và chưa có cơ chế mở, việc cung cấp thông tin không gian chỉ do các cơ quan nhà nước thực hiện. Trình độ dân trí về thông tin không gian không cao do không được tiếp cận nên do anh nghiệp, người dân không có nhu cầu bức xúc về sử dụng thông tin không gian. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng về NSDI chưa được quan tâm đúng mức, do đó, không đủ nguồn nhân lực cho phát triển NSDI, nhất là ở khu vực địa phương. Đặc biệt là Hợp tác quốc tế về NSDI còn yếu.
 
Nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia cần ban hành các chính sách bắt buộc sử dụng thông tin không gian trong phân tích chính sách, quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý đối với các ngành kinh tế, hướng tới mục tiêu "chính quyền tiếp nhận không gian"; luật hóa các nội dung về phát triển, quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và bổ sung nội dung áp dụng NSDI vào một số luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, v.v., hướng tới mục tiêu "xã hội tiếp nhận không gian"; tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho NSDI trong thời gian trước mắt cùng với các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và đối tác nước ngoài tham gia đầu tư.
 
Trong thời gian tới cần có chính sách, thể chế đồng bộ về phát triển NSDI cụ thể:
(1) Cần phê duyệt Chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia Việt Nam. Trong Báo cáo ”Nghiên cứu chiến lược phát triển hạ tầng thông tin quốc gia cho Việt Nam” năm 2012, Nhóm nghiên cứu chung của Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Chiến lược phát triển NSDI Việt Nam. Đây là một tài liệu có thể làm cơ sở để bổ sung, hoàn thiện thành văn bản chính thức trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
 
(2) Cần xây dựng và ban hành Luật về  hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia Việt Nam.
(3) Cần thành lập Uỷ ban quốc gia về hạ tầng dữ liệu không gian nhằm  thống nhất công tác quản lý, điều phối và thúc đẩy sự phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng và phổ biến dữ liệu không gian quốc gia.
(4) Cần thành lập một hiệp hội về phát triển NSDI Việt Nam. Hiệp hội này là tổ chức đại diện cho cộng đồng VNSDI, có vai trò tích cực trong quá trình phát triển VNSDI và phát triển cộng đồng sử dụng VNSDI. Hiệp hội này cũng là thành viên của Hiệp hội GSDI quốc tế với tư cách là đại diện của Việt Nam.
(5) Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chuẩn dữ liệu, chuẩn dịch vụ thông tin, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ phát triển và quản lý NSDI.
(6) Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu cho NSDI.
(7) Cần có chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho NSDI và nâng cao nhận thức cộng đồng về NSDI.
(8) Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về NSDI, tham gia thực chất và có hiệu quả vào Sáng kiến của Liên Hợp Quốc về quản lý thông tin không gian địa lý toàn cầu (UN-GGIM), các tổ chức quốc tế như Ủy ban của LHQ về quản lý thông tin không gian địa lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (UN-GGIM-AP), Liên đoàn Đo đạc quốc tế (FIG) nhằm giúp giải quyết tốt phát triển NSDI của Việt Nam và đóng góp thông tin không gian để giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu theo những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đã đề ra.
 
Theo monre.gov.vn 17/11/2017