Tăng cường hợp tác trong cải thiện chất lượng môi trường không khí Thủ đô

28/11/2018
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 27/11, Sở TNMT phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) đã tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho TP Hà Nội”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT HN cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho thủ đô. Trong đó, đã thiết lập các trạm quan trắc không khí và đăng tải thông tin lên Cổng giao tiếp điện tử thành phố. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội đô tiến hành lắp đặt và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động. 
                                                Quang cảnh Hội nghị

Ngoài ra, đã tổ chức xây dựng mạng lưới các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực không khí nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ thành phố thực hiện các giải pháp, sáng kiến cải thiện chất lượng không khí. Đến nay, đã có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án được triển khai hiệu quả trên địa bàn thành phố như: Chương trình hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố nhằm phấn đấu đến năm 2020 thành phố nói không với bếp than tổ ong và không đốt rơm rạ.

Thành phố cũng tiến hành kiểm kê nguồn thải không khí, xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí để từ đó xác định nguyên nhân và giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Tập trung thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020. Đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân, sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông...
                                                                                       Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày

Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường vẫn còn tồn tại hạn chế, trong đó, việc triển khai các dự án đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm. Hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu... đã ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của thành phố. Ngoài ra, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Theo thống kê năm 2018, dân số Hà Nội có khoảng 8 triệu người, 6 triệu xe gắn máy, 600 ngàn ô tô và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu Kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày... đã làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.

Tại hội thảo, đại diện Sở TNMT và các cơ quan đối tác phát triển đã chia sẻ về quản lý không khí TP Hà Nội; các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn nhằm kết nối với nhau để cùng hành động cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường. Qua đó nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các bên từ khu vực Nhà nước, khối tư nhân, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển quốc tế, góp phần thúc đẩy hành động chung về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.
                           Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp phù hợp để giúp hoàn thiện, khung pháp lý, kế hoạch hành động trong thời gian tới để từng bước cải thiện chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo. Trong khuôn khổ của diễn đàn, còn có hoạt động triển lãm các thiết bị máy móc, công nghệ xử lý nước, tái chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn năng lượng, xử lý ô nhiễm không khí...

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, Ban tổ chức cũng đã tổ chức các gian trưng bày, giới thiệu các ý tưởng bảo vệ môi trường; các giải pháp cải thiện chất lượng không khí từ DN như thiết bị đo lường chất lượng không khí, khẩu trang, giải pháp công nghệ lọc không khí, bếp cải tiến sử dụng viên nén nhiên liệu thay thế cho bếp than tổ ong, mô hình trồng nấm rơm và giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hướng tới tiêu dùng bền vững./.