Vùng biển Việt Nam chứa 35 loại hình khoáng sản

05/12/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Theo điều tra cơ bản, vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và kháng sản lỏng 

Điều tra mới nhất đã xác định có trên 300 mỏ và điểm quặng, điểm khoáng có hóa sắt, trên 59 mỏ điểm quặng titan. Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy vùng bờ Việt Nam có trữ lượng titan - ilmenit (bao gồm cả zircon, monazite...) khoảng 600 triệu tấn. Trữ lượng cát thủy tinh của 13 mỏ đã được thăm dò khoảng 144 triệu m3 .

Ven biển nước ta đã phát hiện được các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý, như: titan, ziacon, xeri. Một số mỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỷ tấn và một dãy cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Bên cạnh đó, tiềm năng nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển khác như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển.

Đặc biệt, tiềm năng dầu khí phân bố trong 6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam. Thời gian qua, ngành dầu khí luôn giữ vai trò quan trọng trong kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung.

Đề án Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã tiến hành đo đạc, lập bản đồ được 147.330 km2 ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tỷ lệ điều tra 1:500.000 lên khoảng 24,5% ở tỷ lệ 1:100.000, hoàn thành thêm 20.768 km2 , tương ứng khoảng 2,77% diện tích các vùng biển Việt Nam chủ yếu tập trung ở khu vực biển nông ven bờ, độ sâu từ 0 đến 100m nước.

Thực tế khai thác khoáng sản những năm vừa qua cho thấy cần phải nghiên cứu đánh giá đầy đủ về trữ lượng, chất lượng, dự báo thị trường, mối quan hệ của khai thác khoáng sản với các lĩnh vực khác như môi trường, tài nguyên nước, hạ tầng kỹ thuật, các vấn đề xã hội… để tránh những xung đột và hiệu quả thấp.