Sáng 29/11, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Luật được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam.
PV: Thưa ông, Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được những vấn đề lớn nào trong hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản trên thực tế?
Ông Mai Thế Toản: Việc Quốc hội ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được nêu tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường...”.
Mặt khác, Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành, đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật cũng để đồng bộ với hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013 và năm 2024, Luật Xây dựng năm 2014 và năm 2020, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Thủy lợi năm 2017, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Đa dạng sinh học năm 2018, Luật Tài nguyên nước năm 2023...
Đồng thời, Luật ban hành cũng giải quyết được các vướng mắc như việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt không bảo đảm tính chính xác tuyệt đối dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.
Ngoài ra, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản cho UBND cấp tỉnh và cải cách quy trình, thủ tục hành chính theo nhóm khoáng sản. Ví dụ như thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng).
PV: Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng với kỳ vọng mở ra những thay đổi lớn về chính sách, trong đó có nhiều điểm mới. Vậy ông đánh giá thế nào về những điểm mới này?
Ông Mai Thế Toản: Theo tôi, Luật đã "cởi trói" những chính sách đã không còn phù hợp và khơi thông nguồn lực đặc biệt là việc khoáng sản nhóm IV gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển). Theo đó, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của Luật.
Bên cạnh đó các dự án, công trình, hạng mục công trình, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này, không phải thực hiện thủ tục cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, nhưng phải lập phương án khai thác khoáng sản nhóm IV, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này. Đây là một trong các nội dung quan trọng nhất của Luật để bảo đảm tiến độ thi công các công trình đầu tư công khẩn cấp nhằm phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, Luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư; dự án nghỉ dưỡng để đồng bộ thẩm quyền và cải cách hành chính so với quy định hiện hành.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc phân cấp cho chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý Nhà nước về địa chất và khoáng sản trong Luật?
Ông Mai Thế Toản: Luật Địa chất và Khoáng sản đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp một nội dung quan trọng như: Thứ nhất quy định khoáng sản là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào nhóm III (điểm c khoản 1 Điều 6) và giao UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản (điểm a khoản 2 Điều 108).
Thứ hai giao UBND cấp tỉnh thực hiện điều tra cơ bản địa chất (điểm d khoản 2 Điều 12).
Thứ ba, giao UBND cấp tỉnh xây dựng Phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong đó có bổ sung thêm nội dung Điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản nhóm III, nhóm IV (khoản 2 Điều 12).
Thứ tư, giao UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện đánh giá tiềm năng khoáng sản nhóm III và nhóm IV (điểm đ khoản 2 Điều 20).
PV: Để đưa Luật Địa chất và Khoáng sản sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản nhằm khai thác tối đa, đảm bảo bền vững khoáng sản quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo ông cần thực hiện những giải pháp gì?
Ông Mai Thế Toản: Để đưa Luật Địa chất và Khoáng sản đi vào cuộc sống, theo tôi, thứ nhất, cần phổ biển pháp luật đến cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật nhất là các nội dung mới, quan trọng đã được tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Thứ hai, kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức thực hiện đồng thời khi luật có hiệu lực.
Thứ ba, chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như thực thi kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm. Trong đó, cần ưu tiên thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái UAV....), ...;
Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ. Cần gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác bền vững khoáng sản (hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, lợi ích của các bên liên quan).
PV: Trân trọng cảm ơn ông!