Hoàn thiện chính sách, khơi thông nguồn lực tài nguyên khoáng sản

Email :

Năm 2024, Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia. Bước sang năm 2025, ngành tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản đồng bộ, hiệu quả, đồng thời tiếp tục triển khai và hoàn thiện các đề án địa chất quan trọng được Chính phủ giao.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Theo báo cáo tổng kết của lĩnh vực địa chất và khoáng sản, năm 2024, với mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản, Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện xuất sắc việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV góp phần khơi thông nguồn lực địa chất và khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Cùng với việc hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản, 2 đơn vị cũng tập trung xây dựng 8 Thông tư, 23 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, 6 định mức kinh tế kỹ thuật.

Triển khai hiệu quả nhiều Đề án, dự án quan trọng

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã triển khai thực hiện 7 đề án, dự án Chính phủ đúng kế hoạch tiến độ, trong đó đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”…

Tính đến ngày 19/12, Cục Khoáng sản Việt Nam đã trình Bộ ký ban hành 3 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 1 Quyết định điều chỉnh Giấp phép thăm dò khoáng sản; 19 Giấy phép khai thác khoáng sản; 3 Quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản; 2 Quyết định cho phép tiếp tục khai thác khoáng sản; 10 Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; 4 Quyết định điều chỉnh, gia hạn đóng cửa mỏ; 12 Quyết định đóng cửa mỏ.

Công tác kinh tế khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, giám định tư pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động khoáng sản được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Về khoa học công nghệ, Cục Địa chất Việt Nam đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, môi trường địa chất. Đặc biệt, Cục đã công bố công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” và sách thuyết minh (Địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam kèm theo bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Công trình không chỉ có giá trị to lớn đối với ngành địa chất, khoáng sản Việt Nam, mà còn đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ với các chương trình khoa học địa chất quốc tế, góp phần khẳng định vị thế và năng lực khoa học của nước nhà trên trường quốc tế.

Hiện nay, 2 Cục đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp hướng dẫn thi hành Luật để trình Chính phủ và Bộ ban hành trong năm 2025.

Tập trung triển khai thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản

Định hướng công tác quản lý khoáng sản thời gian tới, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết để vượt qua mọi thách thức, đảm bảo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Bộ giao phó, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Cụ thể, trong bối cảnh hợp nhất hai Cục thành Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước tháng 3/2025, với khối lượng công việc lớn, hai đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản.

Cùng với việc xây dựng các văn bản dưới Luật, hai Cục cũng tiếp tục triển khai nhiều đề án địa chất Chính phủ giao: Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam và thăm dò một số diện tích có triển vọng”; Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”; Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”; Đề án" Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”...

Bên cạnh đó, hai đơn vị cũng sẽ thực hiện tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản. Đồng thời tổ chức tính và trình Bộ TN&MT phê duyệt đối với các hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tiếp nhận trong thời gian tới.

Ngoài ra, hai đơn vị cũng sẽ rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản chưa phê duyệt hoặc phê duyệt tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lập hồ sơ trình Bộ phê duyệt chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã đủ căn cứ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác.

Mặt khác, hai đơn vị tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam vào thực hiện các nhiệm vụ của Cục; tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm tìm hiểu, chuyển giao công nghệ trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.