Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, trong những năm qua, dịch vụ cấp, thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, có khoảng 1.000 nhà máy cấp nước với tổng công suất khoảng 13.2 triệu m3/ngđ và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 1.79 triệu m3/ngđ; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ đạt 94% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày; Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm xuống còn 17%.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra đối với quản lý và phát triển cấp nước, thoát nước vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều công việc phải hoàn thành như: thể chế hóa quản lý nhà nước; thực hiện bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, điều tiết các mối quan hệ trong cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước, quản lý dịch vụ cấp, thoát nước...
Vì vậy, việc tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, cùng với các Hội thảo chuyên đề; Triển lãm quốc tế các công nghệ mới được giới thiệu từ các doanh nghiệp ngành Nước và môi trường đối với sự phát triển của ngành nước phát triển bền vững là rất cần thiết. Bộ Xây dựng đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư, các nhà tài trợ và doanh nghiệp để giới thiệu các công nghệ, các sản phẩm tiên tiến nhằm phát triển hơn nữa ngành nước tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam cho biết chủ đề của sự kiện năm nay là "Phát triển ngành nước Việt Nam: An ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập," đưa ra tầm nhìn đa chiều, giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy ngành nước Việt Nam phát triển hiệu quả bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Kalanithy Vairavamoorthy, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nước Quốc tế (IWA), hành trình hướng tới an ninh nguồn nước, an toàn cấp nước của Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong ba thập kỷ qua, thích ứng với những thách thức mới bằng khả năng phục hồi và đổi mới.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chuyển từ phát triển nguồn nước thiết yếu sang tập trung vào khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước thải đô thị, tăng trưởng bền vững.
“Với hơn 75 năm kinh nghiệm thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác trong lĩnh vực nước, Hiệp hội Nước Quốc tế mong muốn được xây dựng mối quan hệ với Hội Cấp, thoát nước Việt Nam để gắn kết hơn nữa với các chuyên gia lĩnh vực nước trong khu vực và khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn với mạng lưới các nhà lãnh đạo về nước toàn cầu của Hiệp hội Nước Quốc tế”- ông Kalanithy Vairavamoorthy nhấn mạnh.
Theo Ban Tổ chức, sự kiện diễn ra từ ngày 6 đến 8/11/2024, sẽ có 5 hội thảo bao gồm Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước; Quản lý vận hành hệ thống cấp thoát nước bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản trị doanh nghiệp ngành Nước thông minh, hiệu quả và tăng khả năng chống chịu; Hội thảo chuyên đề về Giới - Ngân hàng Phát triển Châu Á; và Hội thảo Kỹ thuật mở.
Song song với các Hội thảo là Triển lãm quốc tế ngành cấp, thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường có quy mô 4.000m2 với 200 gian hàng của 150 tổ chức, doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm sẽ trưng bày sản phẩm, thiết bị ngành Nước; Công nghệ ngành Nước và Quản lý tài nguyên nước - Môi trường tiên tiến, hiện đại.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ trao tặng các giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng "Đồ án tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Nước và Môi trường 2024" cho sinh viên các trường đại học đào tạo chuyên ngành Cấp thoát nước; Giải thưởng "Dòng xanh nước Việt" cho các hội viên tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị, tham gia tích cực các hoạt động của Hội và Chi hội năm 2024; Giải thưởng "Cán bộ trẻ ngành Nước Việt Nam của năm".
Cùng với đó là chương trình tham quan Nhà máy nước mặt Sông Đuống dành cho các doanh nghiệp ngành Nước giao lưu học hỏi thêm kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ trong ngành Nước.