“Cát tặc” vẫn nóng ở nhiều địa phương
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông luôn được cử tri nhiều tỉnh, thành phố, đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo; các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, nhờ vậy tình trạng nêu trên đã giảm. Tuy nhiên hiện nay tại nhiều địa phương vẫn còn hoạt động khai thác trái phép khoáng sản nói chung, cát, sỏi lòng sông nói riêng.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nhị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ; Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản…
Các văn bản nêu trên đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các cấp chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan, tăng chế tài xử phạt, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải… thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra và đã làm việc với các địa phương nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; kịp thời xử lý các vi phạm và giải quyết các bất cập mà các địa phương đã kiến nghị.
Xử lý nghiêm các vi phạm và người đứng đầu
Trong thời gian tới, Bộ đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ quy định tại các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ. Đồng thời, ban hành và thực hiện đúng quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính.
Trong công tác xử lý vi phạm cần cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác trái phép kéo dài, gây bức xúc dư luận; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, kể cả xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cát sỏi lòng sông, lòng hồ, biển có những đặc thù riêng như tính biến động tự nhiên về trữ lượng; việc khai thác có tác động nhất định đến lòng bờ bãi sông. Do đó, cần thiết phải có những quy định đặc thù riêng để đảm bảo quản lý hiệu quả loại hình khoáng sản này. Những nội dung này đã được Bộ đánh giá, tổng kết và đưa vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang trình Quốc hội xem xét, thông qua.