Ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường

20/01/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 29 tháng 11 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BTNMT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

     Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thành lập theo quy định của pháp luật từ Trung ương đến địa phương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân loại, thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thông tư này không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

      Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập

      Theo Điều 3 Thông tư, đơn vị sự nghiệp công lập được phân loại theo 02 tiêu chí chính gồm: phân loại theo chức năng, nhiệm vụ và phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính.

      Theo chức năng, nhiệm vụ, đơn vị sự nghiệp công lập được phân loại thành:

      Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng điều tra cơ bản, quan trắc về tài nguyên và môi trường; Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin, nghiên cứu khoa học, lý luận, nghiệp vụ; các hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực; Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

      Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ thuộc Danh mục dịch vụ có sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

      Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện ít nhất một trong các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nêu trên.

      Theo mức độ tự chủ về tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập được phân loại thành: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

      Về điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập

      Theo quy định tại Điều 5 Thông tư, việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

      Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 4 Thông tư này. Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

      Về điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

      Theo quy định tại Điều 6 Thông tư, việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

      Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.