Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, công tác thông tin tuyên truyền Chương trình 06-CTr/TU tiếp tục được quan tâm thực hiện chất lượng, hiệu quả, bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tình hình, đối tượng và thời gian cụ thể; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực và các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã.
Đến nay, đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng, tiêu biểu như: “Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm”... Có 5 chỉ tiêu cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong năm 2024, 3 chỉ tiêu khó khăn cần có giải pháp để hoàn thành đến năm 2025.
Thành phố đã quan tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh; tập trung vào đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề có lợi thế, tiềm năng của địa phương. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đề xuất cơ chế, chính sách đảm bảo sự đồng bộ trong quy hoạch, khai thác, sử dụng các thiết chế, sản phẩm văn hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thành phố đã tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ; chất lượng đào tạo Đại học, Cao đẳng được quan tâm, tăng cường phối hợp giáo dục đại học gắn với cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng thế mạnh của các cơ sở đào đại học trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần giải quyết việc làm, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo ngày càng tăng cao, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương.
Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đã tập trung tuyên truyền nâng cao vai trò của mỗi công dân Thủ đô, gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, phường, xã trong việc xây dựng môi trường văn hóa; nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa, nhất là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc Thành phố” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; đặc biệt, đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa: Thành phố đã chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô như: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực... thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, phổ biến lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; việc triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá, được quan tâm chỉ đạo, bước đầu có hiệu quả.
Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận đến từ các sở, ngành, quận, huyện đã làm rõ các kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU tại địa bàn, đồng thời nêu rõ những tồn tại, vướng mắc, kiến nghị tới Thành phố. Trong đó, có tình trạng thiếu cán bộ làm công tác văn hoá tại các địa phương, đặc biệt là cấp cấp xã, phường; việc triển khai tổ chức các hoạt động văn hoá chưa thực sự đem lại hiệu quả
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, để nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa, Thị xã đã điều động cán bộ trẻ về các xã để vừa đào tạo cán bộ, vừa bồi đắp thêm nguồn cán bộ. Tuy nhiên, thực tế việc này vẫn chưa đạt hiệu quả, vẫn thiếu và yếu so với yêu cầu thực tiễn. Tới đây, thị xã Sơn Tây sẽ nỗ lực vận dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) để nâng cao thu nhập cho cán bộ nhằm thu hút cán bộ cho cấp xã.
Các ý kiến cũng cho rằng, Thành phố cần quy hoạch phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó, cần định hướng theo khu vực để tránh chồng chéo trong phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, cũng cần có đánh giá được hiệu quả kinh tế trong tổ chức, phát triển các lễ hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đề nghị, từ nay tới cuối năm 2024, các đơn vị cần tập trung triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; cụ thể hoá 7 nhiệm vụ của Chương trình thành các kế hoạch, phân công phân nhiệm rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương quan tâm đề xuất thực hiện các thể chế được cụ thể hoá tại Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan tới Chương trình 06; tham mưu Ban Chỉ đạo các nội dung liên quan tới phát triển văn hóa tại báo cáo chính trị trình Đại hội 18 Đảng bộ thành phố Hà Nội cho nhiệm kỳ tới…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, kết quả Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đạt được 6 tháng qua khá toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, nhiệm vụ. Theo Phó Bí thư Thành ủy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, cơ bản các chỉ tiêu sẽ hoàn thành.
Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật, như du lịch nội địa phục hồi và phát triển với nhiều sản phẩm du lịch liên quan tới văn hóa; giáo dục đạt nhiều kết quả nổi bật, chất lượng đào tạo nghề khá tốt. Nhiều địa phương có bước chuyển đổi tích cực, đã tận dụng các kỳ cuộc, tạo cao trào, điểm nhấn trong quảng bá, phát triển du lịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, thời gian tới, các địa phương rà soát lại tất cả các chỉ tiêu, đánh giá thực chất các tồn tại hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
Đặc biệt với phát triển công nghiệp văn hóa, đây là nội dung phụ thuộc lớn vào quyết tâm của người đứng đầu và cách thức tổ chức thực hiện. Do đó, đồng chí yêu cầu các địa phương rà duyệt kỹ, ít nhất xác định được một sản phẩm du lịch và sự kiện về công nghiệp văn hoá trên địa bàn. Đồng chí cũng gợi ý việc xây dựng quỹ phát triển văn hoá để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự sáng tạo trong thực hiện phát triển công nghiệp văn hoá.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, dự kiến tháng 11/2024, Ban Chỉ đạo sẽ kiểm tra Chương trình để đôn đốc, nhân rộng cách làm hay. Ngoài ra, để chuẩn bị dữ liệu cho việc xây dựng báo cáo chính trị, từ đầu tháng 3/2025, Thành phố sẽ bắt đầu tổng kết Chương trình.
Về giáo dục đào tạo, Phó Bí thư Thành ủy lưu ý, ngoài nỗ lực cao nhất về trường chuẩn quốc gia, cũng phải quan tâm giáo dục đại trà. Thành phố cần có thống kê gửi các quận, huyện để nhận diện thứ hạng trong lĩnh vực này, bằng giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.
Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng từ nay tới cuối năm là tập trung cụ thể hoá Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu phải nhận thức được đây là nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ quan đơn vị, liên quan trực tiếp đến các quận, huyện. Bên cạnh đó, các đơn vị lựa chọn tổ chức các hoạt động thiết thực ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô để khơi gợi được lòng tự hào và khát vọng phát triển trong mọi tầng lớp Nhân dân.