Ngày 3/4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 98-HD/BTGTU về thông tin, tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” trong các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, đối với cấp Thành phố sẽ phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt”. Khen thưởng các điển hình tiên tiến tiêu biểu, trong đó, khen thưởng từ 700 cá nhân “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu trở lên; lựa chọn, giới thiệu ít nhất 50 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan báo chí Trung ương, Thành phố để phục vụ công tác tuyên truyền; lựa chọn các cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội Thủ đô tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú”.
Đồng thời, sẽ biên tập, xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 xuất bản sách điện tử “Những bông hoa đẹp”. Tổ chức ít nhất 1 hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương, Thành phố tổ chức được ít nhất 10 chương trình giao lưu, tọa đàm với các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của Thành phố.
Đối với các đơn vị, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị: 100% ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc các Cụm thi đua của Thành phố xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể gương điển hình tiên tiến phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, triển khai kế hoạch phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng và tổ chức tôn vinh điển hình tiên tiến bằng các hình thức biểu dương, khen thưởng tôn vinh phù hợp, kịp thời.
Song song đó, 100% đơn vị tham gia hưởng ứng có hiệu quả Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của Thành phố phát động hằng năm; xây dựng chuyên mục tuyên truyền điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của đơn vị. Lựa chọn, giới thiệu Thành phố các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu để biểu dương, tuyên truyền nhân rộng.
Các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc Thành phố: Xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền được ít nhất 5% điển hình tiên tiến trên tổng số tập thể, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị. Các quận, huyện, thị xã: Xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền được ít nhất 10 điển hình tiên tiến thuộc đơn vị. Các xã, phường, thị trấn: Xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền được ít nhất 2 điển hình tiên tiến thuộc địa phương.
Các đơn vị thường trực các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương, Thành phố: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy định về tiêu chuẩn điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, hằng năm giới thiệu gương điển hình tiên tiến để Thành phố tuyên truyền.
Để làm tốt nội dung trên, công tác tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng với hình thức linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; gắn với tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác thi đua - khen thưởng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, bản tin Thành phố, các phương tiện truyền thông, thông tin cơ sở, mạng xã hội; trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của Thành phố trong việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò và hiệu quả thiết thực của việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, "người tốt, việc tốt”, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng cũng như đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.