Nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Email :
Ngày 28/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 22/3/2022, của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Theo kế hoạch, Thành phố sẽ tiếp tục thể chế hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TƯ, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
Việc thực hiện kế hoạch hành động này cần gắn kết chặt chẽ với thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ  Chí Minh.
 
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần tiến hành quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; kết hợp chặt chẽ, hài hòa các nhiệm vụ, giải pháp “xây” và “chống” theo chủ trương của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị gắn với phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.
 
Kế hoạch cũng xác định đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giao các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện. Trong đó, mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 21-KL/TƯ, Kế hoạch số 58-KH/TU của Thành ủy, kế hoạch hành động ban hành kèm theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ, kế hoạch hành động của UBND Thành phố và kế hoạch của các cấp, các ngành trong toàn thể đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý…
 
Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; quán triệt, tập trung làm tốt, đầy đủ nội dung học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
 
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong nội bộ, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, “tự soi”, “tự sửa”; gắn kiểm điểm tự phê bình cá nhân với kiểm điểm tập thể, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân đối với khuyết điểm của tập thể; có biện pháp để phòng ngừa và tự giác khắc phục khuyết điểm, hạn chế; kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chạy theo thành tích.