Hai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đã đóng góp tích cực trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít vướng mắc, do đó, Thành phố đang nỗ lực để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2022.
Năm 2021, Hà Nội trải qua gần hai tháng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch. Cũng như nhiều sở, ngành, địa phương, ngành văn hóa đã triển khai những hoạt động tuyên truyền, thực hiện Quy tắc ứng xử theo hướng linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh. Cụ thể như Tổ chức các cuộc thi về Quy tắc ứng xử theo hình thức trực tuyến, tuyên truyền qua mạng, qua các kênh phát thanh, truyền hình, truyền thanh… Đây là dịp thể hiện những nét đẹp trong văn hóa ứng xử khi cộng đồng tình nguyện giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh, nhất là các hoạt động tặng quà, siêu thị 0 đồng, mô hình "đi chợ hộ"… Ứng xử văn minh của người dân nơi công cộng cũng giúp hạn chế lây lan dịch bệnh. Người dân đã biết chủ động xếp hàng, giữ khoảng cách khi đi vào bảo tàng, siêu thị… Người dân tuân thủ việc không tập thể dục nơi công cộng khi giãn cách, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
Tại tọa đàm "Phát huy hiệu quả việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử, tạo tiền đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vào cuối tháng 12/2021, nhiều đại biểu nhận định, việc gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với cải cách hành chính, với đánh giá kết quả hoạt động cán bộ, công chức, viên chức đã giúp cán bộ, công chức nâng cao ý thức thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng. Cụ thể, Phó phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Tuyến cho biết: Để triển khai hiệu quả, thiết thực, các Quy tắc ứng xử tại quận Đống Đa được lồng ghép trong các chương trình hoạt động của quận, phường và các tổ dân phố; gắn triển khai Quy tắc với bình xét Gia đình Văn hóa, Tổ dân phố Văn hoá… Việc thực hiện Quy tắc ứng xử giúp thay đổi hành vi ứng xử của người dân; thay đổi tư duy thái độ, tăng cường kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức".
Ngoài những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những vướng mắc trong triển khai các Quy tắc ứng xử. Điển hình như những chuyển biến chưa đồng bộ, một số không gian công cộng sự chuyển biến chưa rõ nét, vẫn còn hiện tượng nói tục, chửi bậy, ăn mặc hở hang nơi công cộng...
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: Một số cơ quan, hay bản thân nhiều người dân vẫn nghĩ là triển khai Quy tắc ứng xử là "việc của ngành văn hóa" nên không thực sự vào cuộc. Việc đánh giá cán bộ thông qua thực hiện Quy tắc ứng xử còn chưa sát sao. Vẫn còn việc cán bộ mặc nhiên mình thực hiện tốt Quy tắc ứng xử khi đánh giá. Bên cạnh đó, tại một số không gian như chợ, việc thực hiện Quy tắc ứng xử vẫn còn khó khăn, rất khó để tuyên truyền văn minh thương mại. Đây là những vấn đề chúng tôi trăn trở, làm thế nào để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh khi việc thực hiện Quy tắc ứng xử đã bước sang năm thứ 5 triển khai. Nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử trong giai đoạn mới, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh đề xuất, về công tác tuyên truyền, vận động, mỗi năm thành phố nên chọn một chủ đề nhất định để triển khai, hoặc chọn một cuộc thi nhất định làm hạt nhân bên cạnh việc tuyên truyền, vận động chung. Thành phố cũng cần có biện pháp đánh giá sát sao hơn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Tránh tình trạng thực hiện chưa nghiêm nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin quận Long Biên cũng đề xuất, đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, thành phố rất cần ban hành thêm những chế tài, để việc thực hiện được nghiêm minh hơn. Do có những hành vi vi phạm Quy tắc nhưng không có cơ sở xử lý, cũng không rõ đơn vị nào sẽ xử phạt.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh: Hà Nội đã triển khai 10 mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và ở các cơ quan, đơn vị. Đây là lúc cần xem lại kinh nghiệm những mô hình nào hiệu quả, mô hình nào chưa phát huy tác dụng để cải tiến, nhân rộng. Thành phố cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tuyên truyền, thực hiện Quy tắc ứng xử. Song, các đơn vị, các ngành cần đổi mới hơn nữa cho hiệu quả. Bên cạnh các cuộc thi cấp thành phố, các địa phương cần chủ động tìm tòi giải pháp. Đặc biệt, việc thực hiện Quy tắc ứng xử cần gắn với các phong trào thi đua, để biết nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt; từ đó, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời.