Đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật. Trong đó tập trung tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là Kết luận số 36- KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để chủ động tích trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cấp, sinh hoạt và sản xuất; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, sử dụng khoa học, công nghệ trong quản trị và phát triển tài nguyên nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, đảm bảo có đủ quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý tài nguyên nước, bao quát cả 3 loại nước: nước mặn, nước lợ và nước ngọt; nghiên cứu thêm quy định về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường bảo đảm tương thích, thống nhất với công ước quốc tế và Luật bảo vệ môi trường; rà soát bổ sung nội dung tích lũy, tích trữ nước ngọt, tái sử dụng nước, tuần hoàn nước; nghiên cứu, mở rộng hơn cơ chế giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước; nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan đến nước dưới đất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác. Quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; xác định rõ hơn phạm vi điều tra cơ bản tài nguyên nước, điều kiện để tham gia, cơ chế sử dụng nguồn tài chính cho điều tra cơ bản. Rà soát để quy hoạch tài nguyên nước đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước và đảm bảo các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, nhất là thứ bậc, mối quan hệ với các loại quy hoạch khác. Bố cục, sắp xếp lại các quy định về các loại quy hoạch trong dự thảo Luật bảo đảm logic, thống nhất về cách trình bày.
Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo rõ ràng, khả thi, tránh dàn trải, trùng lắp và không mâu thuẫn với các luật khác, nhấn mạnh việc phục hồi tài nguyên nước; bổ sung thêm chức năng phòng, chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ, điều hoà chống úng, chống ngập, phân lũ, chắn lũ...; quy định cụ thể hơn phân cấp và lộ trình xác định dòng chay tối thiểu. Lưu ý ý kiến của cơ quan thẩm tra về nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước, các quy định liên quan đến phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, về dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước dưới đất.
Hoàn thiện các quy định về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bổ sung các quy định để duy trì khai thác nước dưới đất, bổ cập nước dưới đất và thu nước mưa trên bề mặt, hạn chế bê tông hóa bề mặt đất; tách bạch các quy định khai thác và sử dụng nước; bổ sung các quy định để nêu bật tính cạnh tranh và vai trò của các thành phần kinh tế trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bổ sung quy định về tái sử dụng nước; hoàn thiện quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trọng khai thác, sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo tính khả thi và có đủ căn cứ thực hiện; lưu ý ý kiến của cơ quan thẩm về các nội dung này.
Rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước để đảm bảo phân cấp, phân quyền cụ thể, tách bạch phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Quy định rõ thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng nước, trong việc ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn về nước..., tránh chồng chéo giữa các luật trong thực thi.
Hoàn thiện công cụ chính sách về nguồn lực cho tài nguyên nước, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, tài chính cho việc bảo vệ nguồn nước, khai thác, xử lý nước cho sinh hoạt, công nghiệp và bổ cập cho nước ngầm, các quy định liên quan đến tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, trường hợp miễn, giảm, các ưu đãi hỗ trợ... đảm bảo thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi và phù hợp với các luật khác. Lưu ý các quy định liên quan đến thu chi ngân sách, thuế, phí phải tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Ngân sách nhà nước. Nghiên cứu bổ sung yếu tố mức độ khan hiếm của tài nguyên nước để quy định các khoản thu, các khoản thuế, giá nước phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.
Rà soát các quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước để đảm bảo minh bạch, công khai, khả thi, người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận; hoàn thiện các quy định về điều hòa, dự trữ, phân phối, khai thác, phục hồi, sử dụng tuần hoàn và bảo vệ tài nguyên nước, hợp tác quốc tế, thanh tra, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.