Đề xuất xây dựng ngân hàng cát

Email :
Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát, tìm nguồn vật liệu thay thế cát trong xây dựng… là những mục tiêu của Dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang thực hiện tại Việt Nam. 

Dự án quản lý khai thác cát bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF-Việt Nam. Dự án được thực hiện trong 5 năm (2019-2023), với mục tiêu cụ thể là: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát cho ĐBSCL với sự phối hợp cùng các đối tác quan trọng; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

* Khảo sát, thu thập dữ liệu cho ngân hàng cát

Từ ngày 28/10 đến ngày 2/11, đoàn khảo sát của Dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long cùng các nhà khoa học tiến hành đo đạc lượng bùn, cát từ sông Mê Công đổ về Đồng bẳng sông Cửu Long ở 11 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Từ kết quả các đợt khảo sát, thu thập các mẫu cát ở nhiều vị trí trên sông Hậu và sông Tiền là dữ liệu quan trọng tiến tới xây dựng ngân hàng cát cho Đồng bẳng sông Cửu Long.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát dự trên các nghiên cứu về sự cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và hiện có với lượng cát mất đi do khai thác và đổ ra biển ở các nhánh chính của sông Tiền và sông Hậu, từ đó ước tính trữ lượng cát có thể khai thác được mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của đồng bằng của năm 2022, năm 2030 tầm nhìn đến 2050.

Theo WWF, để có được đánh giá về ngân hàng cát tại ĐBSCL, cần xác định 3 yếu tố: Lượng cát đến đồng bằng; Lượng cát đổ ra biển; Tổng lượng cát khai thác ở đồng bằng. Cụ thể hơn, hoạt động xây dựng Ngân hàng Cát bao gồm việc đo đạc, quan trắc nguồn cung cấp trầm tích (chủ yếu là cát) cho ĐBSCL, ước tính thực tế về khối lượng khai thác cát bằng phân tích hình ảnh vệ tinh cộng với số liệu khối lượng cát khai thác cấp phép từ các tỉnh, và xác định trữ lượng cát hiện có của ĐBSCL thông qua đo đạc địa chấn tầng nông và đánh giá sự trao đổi trầm tích với biển (sử dụng mô hình và dữ liệu) và thu thập dữ liệu từ các đối tác như Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TNMT và các địa phương, Ủy hội sông Mekong.

Đến nay, dự án đã tiến hành đo đạc bổ sung dữ liệu mùa khô tại 4 trạm lưu lượng, 9 trạm bùn cát và lấy mẫu bùn cát đáy; đo đạc vận chuyển cát đáy đa tia tại 4 vị trí Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cần Thơ (Cần Thơ), Tân Châu (An Giang) và Châu Đốc (An Giang); 550 km đo đạc địa chấn tầng đáy, 45 mẫu cát đáy, 35 mặt cắt ngang sông (xác định trữ lượng cát đáy) dọc theo sông Tiền và sông Hậu; Đo đạc dữ liệu thường xuyên trong năm 2022: 9 trạm mực nước; 5 trạm lưu lượng; Thu thập dữ liệu trong quá khứ (thủy văn, địa hình, bùn cát,...); Tham vấn với các bên liên quan (các Bộ ngành và chính quyền địa phương); Hoàn thành công việc xử lý số liệu đầu vào phục vụ mô hình và 50% các công việc liên quan đến thiết lập mô hình tính toán trữ lượng ngân hàng cát cho ĐBSCL.

Kết quả khảo sát từ mùa khô năm 2022 cho thấy, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu – An Giang là khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL. Đối với những khu vực có đụn cát ở đáy sông thì khối lượng cát vận chuyển ở đáy trung bình chỉ còn khoảng 30m3/năm/m ngang sông. Kết quả trên cho thấy rằng lượng cát đổ về rất hạn chế. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, từ dòng Mekong đổ về sông Hậu chủ yếu là cát mịn, rất mịn lẫn bùn hữu cơ, còn ở sông Tiền mới ghi nhận có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mekong.

Từ kết quả các đợt khảo sát mùa khô và mưa năm 2022 (kết thúc 17/10/2022) và khảo sát bùn cát, thủy văn thuộc gói hoạt động xây dựng kế hoạch phục hồi hình thái sông là dữ liệu quan trọng để tiến tới xây dựng kế hoạch phục hồi hình thái sông khu vực ĐBSCL. Đồng thời đưa ra các khuyến cáo về những địa điểm nên tạm ngưng khai thác cát để tránh phát sinh sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác gắn với khối lượng phù hợp để tránh xói mòn đáy và sạt lở bờ. 

* Luật hóa “ngân hàng cát”?

Trong bối cảnh Luật Khoáng sản đang được xúc tiến sửa đổi, Dự án quản lý khai thác cát bền vững cho rằng, các nghiên cứu của dự án là thông tin để có thể đề xuất lồng ghép vấn đề Ngân hàng Cát vào Luật Khoáng sản sửa đổi. Các nội dung của Dự án đề xuất gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng / tổng lượng trầm tích (chủ yếu là cát sỏi) cho ĐBSCL; Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL; Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng của dự án là tìm kiếm vật liệu thay thế cát trong xây dựng. Hiện vật liệu thay thế cát sông vẫn chưa được đưa vào danh mục vật liệu có thể sử dụng cho các công trình được đầu tư bằng vốn nhà nước nên các chủ đầu tư chưa thể mua sắm mà vẫn phụ thuộc vào cát sông. Hơn nữa, nguồn vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng rất hạn chế, nên cần giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm thiểu lượng cát tiêu thụ trên một đơn vị diện tích mặt sàn cùng với phát triển vật liệu thay thế.

Như vậy, cần một khoảng thời gian và sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vật liệu thay thế cát sông. WWF-Việt Nam đang cùng tư vấn quốc tế thực hiện nghiên cứu về vật liệu thay thế cát sông bền vững và sẽ công bố báo cáo cuối cùng vào cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2022.