Nhận diện các thách thức trong quản lý tài nguyên nước

Email :
Trên cơ sở hiện trạng tài nguyên nước quốc gia, những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trong giai đoạn 2016-2021, Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố nhận diện các thách thức trong quản lý tài nguyên nước cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Đối mặt nguy cơ suy giảm, ô nhiễm nguồn nước

Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện trên lưu vực sông (LVS) Mê Công và sông Hồng (trên 20 hồ thủy điện lớn) đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước của nước ta.

Song song đó, việc gia tăng khai thác sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn còn có nguy cơ gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa ở hạ lưu tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước của nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước.

Về nội tại, nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến Tp. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm. Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70-75% lượng nước trung bình nêu trên.

Cùng với đó, hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp. Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 81 tỷ m3 nước, trong đó, nước mặt khoảng 77,2 tỷ m3 (chiếm 95,3% tổng lượng nước khai thác sử dụng trên cả nước cấp cho các ngành dùng nước) và nước dưới đất chỉ khoảng 3,83 tỷ m3 /năm (chiếm 4,7% tổng lượng nước khai thác).

Trong khi đó, áp lực phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến.  Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của dân cư ở các khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại.  Cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối.

Song song đó, khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn chưa cao; rừng đầu nguồn bị suy giảm, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước, rõ rệt nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, dự báo đến 2030 nguy cơ nhiễm mặn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. 

Cần tăng cường quản trị và nguồn lực

Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021 cũng chỉ ra những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước còn khó khăn do thiếu thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu. Mặc dù tại các Bộ, ngành, địa phương có các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý theo thẩm quyền được phân công. Tuy nhiên, mức độ điều tra, đánh giá, tổng hợp thông tin, số liệu còn hạn chế, thiếu đồng bộ và đang phân tán ở các Bộ, ngành, địa phương, chưa được rà soát, hệ thống gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Ngoài ra, dù hiện nay khung pháp lý về quản trị tài nguyên nước đã tương đối toàn diện, tuy nhiên còn chưa tách bạch về trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Về nguồn lực, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc đầu tư cho lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, bảo vệ và phát triển rừng, cung cấp nước cho công nghiệp, nước sạch cho sinh hoạt đã được từng bước quan tâm, chú trọng, đã đầu tư trên 900 công trình thủy lợi quy mô tưới trên 200 ha/công trình, về cơ bản cấp đủ nước sạch cho các đô thị và 88,5% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, công tác đầu tư, bố trí nguồn lực còn thiếu cân đối; bố trí vốn không đủ, thiếu đồng bộ, còn chưa hiệu quả nhiều công trình dở dang. Kinh phí bố trí cho điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số… còn thiếu và chưa đồng bộ để giải quyết đứt điểm những vấn đề đặt ra.

 Để giải quyết các tồn tại, thách thức về tài nguyên nước nêu trên, trong thời gian tới cần có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.