Ngày 30/8, Đoàn giám sát số 1 của HĐND Thành phố, do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn, đã giám sát về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố tại Sở Xây dựng.
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, thời gian qua, Sở đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố. Sở đã tham mưu trình Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố; phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định; qua đó, đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm và chống úng ngập khu vực nội thành Thành phố.
Theo đó, về thoát nước, Thành phố đã xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở công suất 90m3/s; cải tạo, kè hệ thống sông, hồ điều hòa, kênh mương, cống tại khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì) giải quyết cơ bản được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 310mm/2ngày.
Về xử lý nước thải, Thành phố đã đầu tư các dự án, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì (huyện Đông Anh); Nhà máy xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch; Nhà máy xử lý nước thải Bảy Mẫu; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây.
Hiện nay, các dự án xử lý nước thải đang triển khai gồm: Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, thành phố Hà Nội với công suất 270.000 m3/ngđ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Dự án bao gồm 4 gói thầu chính: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngđ; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, phục vụ cho lưu vực S2. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Về công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, hiện nay, toàn bộ công tác quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thoát nước đô thị và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu gồm 14 gói thầu, giai đoạn 2019 - 2024, trong đó, có 9 gói thầu duy trì thoát nước và 5 gói thầu quản lý, vận hành xử lý nước thải. Việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố được thực hiện tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, định mức kỹ thuật, các yêu cầu của hồ sơ thầu, hợp đồng, các quy định về bảo vệ môi trường, các quy định về thoát nước, xử lý nước thải và các quy định hiện hành, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thành phố
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng từ năm 2016 đến nay, các dự án đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa nhanh của Hà Nội, nhiều dự án thiếu đồng bộ giữa mạng lưới và hệ thống đấu nối gây lãng phí và hiệu quả không cao. Đặc biệt, hệ thống thoát nước Thành phố hiện nay được đầu tư hoàn chỉnh tại lưu vực Tô Lịch thuộc nội thành Hà Nội. Do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, kéo theo những trận mưa lớn không theo quy luật vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, việc ngập nước tại khu vực trũng thấp là không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, việc đầu tư xã hội hóa không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia. Đến nay, các dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đưa vào danh mục đề xuất kêu gọi xã hội hóa đều chưa có nhà đầu tư tham gia. Do vậy, giải pháp chủ yếu là cần tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.
Hiện nay, nguồn ngân sách thành phố phải cân đối phân bổ đầu tư cho rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông... việc bố trí kinh phí thực hiện đầu tư các công trình thoát nước, xử lý nước thải rất hạn hẹp. Do vậy, để tiết kiệm ngân sách thành phố, Sở Xây dựng đề xuất thành phố tận dụng nguồn ngân sách địa phương, tạo tính chủ động linh hoạt cho địa phương trong quá trình phát triển, việc phân cấp công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư mô hình xử lý nước thải phân tán, đặc biệt đối với 5 huyện thuộc Đề án phát triển thành quận đến năm 2025 là cần thiết.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận những cố gắng của Sở Xây dựng trong công tác quản lý thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn được phân công.
Liên quan đến những tồn tại, hạn chế, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng, thời gian tới, tích cực tham mưu, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các công trình sửa chữa, cải tạo thoát nước. Chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã giải quyết, thoát gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thoát nước như: Nghiệm thu, thanh quyết toán; hướng dẫn quy trình thực hiện theo phân cấp. Bên cạnh đó, Sở cũng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đảm bảo kế hoạch, chất lượng và tiến độ; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan sớm hoàn thiện, trình UBND Thành phố phê duyệt giá dịch vụ thoát nước.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở sớm tham mưu UBND thành phố tổng hợp, lập kế hoạch chung và giao kế hoạch, bố trí đủ nguồn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách phù hợp với tiến độ, kế hoạch thực hiện của dự án hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng và đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố bố trí ngân sách thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống công trình thoát nước theo quy định; thẩm định giá trình UBND Thành phố theo quy định. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Ban đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình thoát nước và xử lý nước thải đang thực hiện.