Chuyển động cải cách hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Đẩy mạnh giải quyết trên môi trường điện tử

Email :
Những năm qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết hồ sơ công việc và thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, qua đó góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 
Sớm triển khai công nghệ số
Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhận thấy vai trò quan trọng của CNTT trong công tác quản lý Nhà nước, Tổng cục đã nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, bao gồm: số hóa tài liệu, báo cáo, bản vẽ địa chất; đào tạo ứng dụng CNTT trong triển khai hoạt động địa chất cho cán bộ tại các đơn vị trong Tổng cục. Đến nay đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngànhxây dựng website cung cấp thông tin đến cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp (từ năm 2004), cung cấp dịch vụ công mức độ 2, mức độ 3 khi giải quyết các TTHC lĩnh vực Địa chất và Khoáng sản (từ năm 2017).
Đáng chú ý, ứng dụng CNTT trong xử lý hồ sơ công việc (văn bản đi/đến, lập báo cáo tuần) của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã được triển khai từ năm 2008 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại cơ quan Tổng cục và các đơn vị trực thuộc từ năm 2008 đến tháng 9/2016 trên phần mềm OfficeMan (Lotus Note 6.5). Theo đó, các văn bản đi/đến được số hóa và cập nhật lên hệ thống phần mềm, quét và nhập thông tin hồi cố từ năm 1997.
Từ tháng 10/2016 đến nay, Tổng cục chuyển đổi sang sử dụng Hệ thống quản lý hồ sơ công việc của Bộ TN&MT. Tại Tổng cục, hồ sơ công việc đã được triển khai đến đơn vị cấp 3, 4 (các Đoàn trực thuộc Liên đoàn). Tỷ lệ văn bản (không mật) trao đổi giữa các đơn vị trong phạm vi Bộ, ngành và các đơn vị bên ngoài dưới dạng điện tử kèm chữ ký số là 98%. Tỷ lệ văn bản (không mật) trao đổi ngoài Bộ dưới dạng điện tử (bao gồm cả văn bản trình kết hợp văn bản giấy và văn bản điện tử) là 90%
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTNMT ngày 9/8/2018 của Bộ TN&MT về việc sử dụng văn bản điện tử có xác thực chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, Tổng cục đã khẩn trương triển khai đồng bộ đến các đơn vị trực thuộc. Ông Lại Hồng Thanh cho biết, đến nay, Tổng cục đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 290 chữ ký số cho tổ chức và cá nhân, trong đó còn 265 chữ ký số có hiệu lực (thu hồi 25 chữ ký số). Từ tháng 10/2020, Tổng cục đã tiến hành triển khai đến toàn bộ chuyên viên của Tổng cục và 4 Cục trực thuộc. Đến nay, các văn bản đã được ký số trên hệ thống phần mềm hồ sơ công việc đạt 99%.
Ngoài ra, Tổng cục đã ứng dụng CNTT trong phần mềm phục vụ cho việc họp giao ban trực tuyến. Từ năm 2017 đến năm 2019, Tổng cục sử dụng phần mềm họp trực tuyến TrueConf với máy chủ đặt tại Tổng cục, phục vụ họp giao ban trực tuyến hàng tháng với 3 điểm cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2019 đến nay, Tổng cục sử dụng phần mềm Họp trực tuyến của Bộ TN&MT trong các cuộc họp giao ban tháng của Tổng cục đến các đơn vị. 
Đã giải quyết dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã nhanh chóng chuyển đổi các hình thức họp từ trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo hoàn thành công việc và thẩm định hồ sơ cấp phép an toàn phòng, chống dịch. Từ tháng 4/2020 đến nay, Tổng cục đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến để chỉ đạo, giải quyết công việc chuyên môn; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị với các địa phương, các hiệp hội, các đơn vị ngoài Tổng cục và doanh nghiệp trong công tác quản lý khoáng sản.
Bên cạnh đó, trang Thông tin Điện tử của Tổng cục đã được nâng cấp lên Cổng Thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ các thông tin về tổ chức bộ máy và các hoạt động của Tổng cục trong công tác quản lý Nhà nước về Địa chất và Khoáng sản. Cổng Thông tin điện tử đã cung cấp đầy đủ dịch vụ công mức độ 2, mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp tìm hiểu về quy trình xử lý hồ sơ, cung cấp các mẫu biểu cần thiết để thành lập hồ sơ.
Tổng cục cũng ứng dụng CNTT trong dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Tổng cục đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường xây dựng phần mềm cho 15 TTHC công mức độ 3 lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Từ năm 2018 đến năm 2020, Tổng cục đã tiếp nhận 13 hồ sơ trực tuyến trên hệ thống; giải quyết qua hình thức dịch vụ công hàng trăm yêu cầu cung cấp về tham khảo, sao chụp tài liệu địa chất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Từ tháng 10/2020, Tổng cục đã bàn giao và chuyển Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả về Văn phòng Tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ TN&MT.
Theo Phó Tổng cục trưởng Lại Hồng Thanh, Tổng cục đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc xây dựng kiến trúc Chính phủ Điện tử ngành Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Tổng cục đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường xây dựng và hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ Điện tử phiên bản 2.0 trình Bộ ban hành.
Tuy nhiên, những kết quả nêu trên còn rất khiêm tốn, chỉ là bước đầu thực hiện các Chỉ thị của Trung ương về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) và Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Ông Lại Hồng Thanh cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh và đầu tư nhiều hơn nữa ứng dụng CNTT trong công tác điều tra cơ bản địa chất, trong quản lý Nhà nước lĩnh vực địa chất, khoáng sản để có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ cộng đồng, người dân và doanh nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

 Mai Đan