Hoàn thiện đề án bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia

Email :
Ngày 15/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Lê Công Thành đã họp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nghe báo cáo về hoàn thiện đề án Bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Đã xây dựng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 

Báo cáo về việc xây dựng Đề án, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, đến nay, Cục đã  đã xây dựng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia . Theo đó, đến năm 2030 cần tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tối đa và sớm nhất các mục tiêu đặt ra, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và rà soát, kế thừa, phát huy các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả đã thực hiện.Cục đã xây dựng nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030. Trong đó, có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước; Tăng cường hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ tài nguyên nước liên quốc gia; Tăng cường đầu tư nhằm chủ động ứng phó tác động biến đổi khí hậu, tác động từ nước ngoài đối với tài nguyên nước liên quốc gia và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước...

Đối với nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2045 và những năm tiếp theo cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực thể chế và tổ chức quản lý để đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn nước trong thời kỳ mới. Hoàn thiện các giải pháp chính sách, các công cụ quản lý, công cụ kinh tế để chủ động bảo vệ, điều hoà, phân bổ nguồn nước hiệu quả theo các kịch bản đảm bảo số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu an ninh nguồn nước quốc gia;      

Tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong giai đoạn 2030 đồng bộ, trên phạm vi cả nước và tùy thuộc vào diễn biến nguồn nước, tình hình thực tế và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các giải pháp kịp thời, hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra;

Duy trì, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia và một số lưu vực sông quan trọng đáp ứng mục tiêu Chính phủ số. Nâng chỉ số an ninh tài nguyên nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực.

Gấp rút hoàn thiện đề án đảm bảo các mục tiêu 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà  đề nghị các đơn vị chuyên môn cần đánh giá lại toàn bộ lại đề án, đóng góp các ý kiến chuyên môn để đánh giá được thực trạng về tài nguyên nước hiện nay. Đưa ra các các đánh giá khoa học, các dự báo về những vấn đề thách thức với tài nguyên nước, từ đó làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và đưa ra những quan điểm, chủ trương, mục tiêu và có những giải pháp đồng bộ, áp dụng khoa học công nghệ để kiểm soát được vấn đề an ninh tài nguyên nước hiện nay.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị cần nâng cao các công tác hoạt động của Việt Nam trong vấn đề tài nguyên nước xuyên biên giới để tham gia các hiệp ước, công ước quốc tế…

Đóng góp ý kiến xây dựng Đề án, các đơn vị trực thuộc Bộ cho rằng, cần tập trung vào quan điểm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia là vấn đề thiết yếu, cấp bách, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong bối cảnh nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt chịu tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu và phụ thuộc lớn vào nguồn nước liên quốc gia. 

Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá, đồng thời tiếp tục khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác, cung ứng dịch vụ ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

Việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải dựa trên cơ sở quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất quản lý về tài nguyên nước, do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chịu trách nhiệm điều phối chung, bảo đảm thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện. Việc quản lý phải thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. 

Bên cạnh đó, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với khả năng đáp ứng của nguồn nước, với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Đồng thời, bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu, kết hợp hài hòa lợi ích của từng ngành, từng địa phương, đảm bảo công bằng, hợp lý.

Đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Quản lý phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, quy hoạch tài nguyên nước và phải được chuyển đổi số nhằm điều hòa, phân bổ và phát triển nguồn nước theo thời gian thực.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước bám sát các chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, gấp rút hoàn thiện Đề án đảm bảo mục tiêu đề án là: Chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu của người dân và các ngành kinh tế trong mọi tình huống; giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài. Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do nước gây ra; tăng cường chuyển đổi số phục vụ điều hoà, phân bổ nguồn nước và hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch, an toàn và được quản trị trên nền tảng công nghệ số.
Khương Trung