Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông hiện vẫn diễn biến phức tạp, càng nguy hiểm hơn trong mùa mưa bão. Để giải quyết triệt để tình trạng này, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Diễn biến phức tạp
Thực tế cho thấy, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Do lợi nhuận cao nên không ít DN và các đối tượng vẫn lén lút hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép hoặc thu mua từ các đối tượng khai thác trái phép để kiếm lời.
Tại huyện Gia Lâm, mặc dù không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép hoạt động, tuy nhiên tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại xã Văn Đức. Theo tìm hiểu, sau khi dồn điền, đổi thửa, UBND xã Văn Đức đã tổ chức giao ruộng ngoài thực địa đối với đất ngoài bãi cho các hộ gia đình tại thôn Sơn Hô. Do ảnh hưởng của một số tàu hút cát hoạt động ban đêm đã làm sụt lún phần đất bãi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trên địa bàn huyện Mê Linh có 2 đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông được cấp phép; 2 tổ chức được cấp phép hoạt động tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông Hồng. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng khai thác trái phép.
Hay như tại địa bàn huyện Thường Tín, hiện có 8 bến khách ngang sông (7 bến đã được cấp phép đang hoạt động, 1 bến đang làm thủ tục cấp phép) và có 8 bến thủy nội địa được cấp phép nhưng vẫn xuất hiện những điểm tập kết vật liệu xây dựng, khai thác cát trái phép tại một số xã ven sông Hồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Sỹ Tuyến thông tin, từ năm 2011 đến tháng 6/2019, huyện đã kiểm tra, xử lý 51 vụ, tịch thu 2 tàu thuyền là phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 800 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Đội Thanh tra đường thủy đã xử lý vi phạm 8 bến nội địa và Đội Thanh tra giao thông huyện xử phạt 1 phương tiện đường thủy không bảo đảm điều kiện. UBND huyện phối hợp với Đội Thanh tra giao thông đường thủy lập biên bản xử lý 6 trường hợp và xử phạt 45 triệu đồng; năm 2020 xử lý phạt 1 trường hợp 7.500.000 đồng do vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn trước, trong và sau mùa mưa bão… Tuy vậy, tình trạng khai thác cát trái phép chưa chấm dứt hoàn toàn.
Nhiều khó khăn trong quá trình xử lý
Lý giải về hiện tượng vi phạm khai thác, hút cát trộm dưới lòng sông Hồng, Trưởng phòng TN&MT huyện Thường Tín Phạm Văn Tập cho biết, công tác kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các trường hợp này gặp nhiều khó khăn do lực lượng tham gia mỏng, chưa có đủ phương tiện phục vụ kiểm tra, đối tượng lại thường hoạt động vào ban đêm.
Trên địa bàn huyện có 8 địa điểm kinh doanh cát, sỏi khu vực ven sông Hồng. Ngoài ra, tại 3 xã ven sông Hồng có 5 địa điểm tập kết, trung chuyển VLXD do hộ cá nhân hoạt động. Vị trí địa điểm đã được các sở, ngành TP thẩm định về quy hoạch nhưng hiện chưa được UBND TP quyết định cho thuê đất nên trong thời gian chờ đợi, các hộ cá nhân vẫn hoạt động trái phép làm bãi tập kết, trung chuyển VLXD.
Đại diện một số huyện có xã ven sông Hồng phân trần thêm, dù cơ quan chức năng địa phương đã phối hợp lực lượng chuyên ngành của TP thường xuyên kiểm tra, xử lý, song do địa bàn trải dài nên các bến thủy nội địa hàng hóa vẫn không khắc phục được triệt để vi phạm. Đáng lưu ý, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng thường xuyên diễn ra vào ban đêm. Cách thức hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều phương tiện để che giấu vi phạm và thời gian hoạt động thường xuyên thay đổi nên khó phát hiện, xử lý.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Từ cuộc khảo sát mới đây, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, để xử lý triệt để các vụ khai thác khoáng sản trái phép, Công an TP cần tăng cường chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã tham mưu với UBND cùng cấp tổ chức tập huấn về công tác phát hiện, xử lý vi phạm cho các đối tượng liên quan. Việc phối hợp xử lý vi phạm cần chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa, bao gồm cả thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần thông tin thêm, trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm, khi đuổi bắt, đối tượng luôn chạy sang địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác. "Do đó, phải xây dựng cơ chế phối hợp xử lý cụ thể. Chúng tôi đề nghị UBND TP báo cáo giao Bộ Công an thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có sự tham gia của lực lượng công tác các tỉnh, thành" - ông Nguyễn Ngọc Thuần nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, với các địa bàn giáp ranh như huyện Thường Tín, Mê Linh cần thực hiện quy hoạch các địa điểm khai thác cát lòng sông Hồng; tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động khai thác cát với dòng chảy sông và tình hình sạt lở đất bờ sông phía Tây thuộc địa phận huyện Thường Tín; trên cơ sở đó có biện pháp phối hợp mới giải quyết hiệu quả.
Đặc biệt, UBND TP và các sở, ngành liên quan sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch địa điểm các mỏ khai thác khoáng sản, địa điểm bãi tập kết, trung chuyển VLXD khu vực bãi ven sông Hồng.
Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện đấu giá để cho thuê địa điểm; bổ sung các quy định, cơ chế về cấp phép hoạt động và quy định chi tiết với từng khu vực các bến thủy nội địa để bảo đảm an toàn đường thủy, đúng quy định và đáp ứng nhu cầu VLXD trên địa bàn. Đại diện một số huyện đã có đề nghị Sở TN&MT Hà Nội cắm mốc giới tại thực địa phục vụ công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tăng cường thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất.