Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông đã được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2020. Trong đó có các quy định cụ thể về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, quản lý các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thuỷ, khai thác cát sỏi trên sông theo quy định tại Điều 63 của Luật tài nguyên nước về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông.
Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.
Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: Khu vực đang bị sạt, lở; Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.
Các khu vực được khoanh định là khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gồm khu vực liền kề với khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông nêu trên mà việc khai thác cát, sỏi trên sông có thể làm gia tăng nguy cơ gây sạt, lở và khu vực khác do UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định để bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt, lở bờ sông.
Xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi trên sông phải đảm bảo không làm suy giảm khả năng thoát lũ của sông
Nghị định quy định, Dự án của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông ven biển; nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa; Kè bờ, gia cố bờ sông, trừ công trình kè bờ, chỉnh trị sông để phòng, chống thiên tai; san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông; và xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi trên sông, xây dựng cầu, cảng sông, bến tàu, phà tiếp nhận tàu và các công trình thủy khác trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc trong lòng, bờ, bãi sông, hồ phải đáp ứng các yêu cầu như sau: (1) Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống lũ, đê điều và các quy hoạch khác có liên quan. (2) Phù hợp với các quy định về hành lang thoát lũ, xả lũ của các hồ chứa, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và công trình hạ tầng khác, trừ trường hợp xử lý khẩn cấp; phù hợp với các yêu cầu về bảo tồn văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên; bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ nguồn nước. (3) Bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không làm suy giảm khả năng thoát lũ dẫn đến gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, gây sạt lở bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; không làm suy giảm mực nước sông trong mùa cạn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng nước trên sông. (4) Không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước. (5) Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông. (6) Tuân thủ các quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Cùng với đó, các yêu cầu đối với trường hợp khai thác cát, sỏi ở lòng sông phải đảm bảo các quy định như sau: Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông; Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông; Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi, lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi, lắng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông.
Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông, Nghị định quy định: Cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác, trừ trường hợp kết hợp với việc khơi thông dòng chảy, tăng cường khả năng thoát lũ của đoạn sông. Trường hợp đối với bãi nổi bán ngập, bãi hình thành theo mùa, bãi mới hình thành thì căn cứ tình hình thực thực tế, yêu cầu về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cụ thể về phạm vi, độ sâu khu vực khai thác. Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông theo quy định tại Nghị định này.
Khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập, hồ chứa
Việc khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông , đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Phù hợp với các quy định về hành lang bảo vệ hồ chứa, bảo vệ công trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập, hồ chứa và các hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa; Chỉ được phép khai thác phần trữ lượng do bồi lắng và phải gắn với yêu cầu nạo vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; Không gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ chứa và không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với việc nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa (nạo vét cơ bản) phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vùng nước đường thủy nội địa, các pháp luật khác có liên quan, đồng thời đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: (1) Phạm vi nạo vét luồng phải phù hợp với yêu cầu về chiều rộng, chiều sâu để bảo đảm cấp kỹ thuật của luồng chạy tàu, thuyền theo quy hoạch đã phê duyệt. (2) Trường hợp phạm vi cần nạo vét nằm sát phía bờ bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở thì phải xem xét, điều chỉnh luồng phù hợp để hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ sông. (3) Trường hợp đang thực hiện việc nạo vét mà có hiện tượng sạt, lở bờ thì phải tạm dừng việc nạo vét, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động nạo vét để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. (4) Trường hợp nạo vét, khơi thông luồng có gắn với thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi lòng sông; bảo trì kết hợp thu hồi sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thì việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật khác có liên quan; việc đăng ký khối lượng, phương pháp thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của Nghị định này. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nạo vét, khơi thông luồng theo thiết kế đã được phê duyệt.
Hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông
Đối với hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông, Nghị định đã quy định việc hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Hoạt động xây dựng công trình thủy phải đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Không làm cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông thủy trên sông, không làm giảm khả năng tiêu, thoát lũ; Bảo đảm sự ổn định của bờ sông, không làm gia tăng nguy cơ xói, lở bờ sông.
Nghị định cũng quy định các hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, trừ công trình kè bờ, chỉnh trị sông để phòng, chống thiên tai; san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông; xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi trên sông, xây dựng cầu, cảng sông, bến tàu, phà tiếp nhận tàu và các công trình thủy khác trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc trong lòng, bờ, bãi sông, hồ; nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, trừ duy tu, bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường thủy nội địa hiện có phải thực hiện việc đánh giá tác động đến bảo đảm sự ổn định của bờ sông và các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ trong mùa lũ; diễn biến bồi lắng, sạt lở lòng, bờ bãi sông; sự suy giảm mực nước sông trong mùa cạn và ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác nước trên sông.
Việc thẩm định nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông được thực hiện đồng thời với việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xem xét xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án.
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xem xét xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông có trách nhiệm thẩm định nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông.
Ngoài ra, đối với dự án phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông thuộc các trường hợp sau đây trên các sông liên tỉnh thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chấp thuận phương án thực hiện trừ trường hợp thuộc thẩm quyền thẩm định của các bộ, cơ quan ngang Bộ khác: Khai thác cát, sỏi, nạo vét, khơi thông luồng trên đoạn sông liên tỉnh là ranh giới giữa 02 tỉnh trở lên hoặc trên các đoạn sông liên tỉnh khác có phạm vi không quá 05 km kể từ ranh giới giữa 02 tỉnh về phía thượng lưu, hạ lưu; Kè bờ, lấn sông trên các đoạn sông liên tỉnh là ranh giới giữa 02 tỉnh; kè bờ, lấn sông trên các đoạn sông liên tỉnh khác có chiều dài dự kiến lấn sông trên 01 km hoặc làm thu hẹp chiều rộng lòng sông quá 5%.
Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và dự kiến phương án thực hiện trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, trong đó có cát, sỏi lòng sông trên phạm vi toàn quốc, tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; Rà soát khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi lòng sông, công tác bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông theo thẩm quyền; Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông liên tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông liên tỉnh; tổ chức nghiên cứu xác định sự biến đổi lòng dẫn và các quy luật tự nhiên tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông;….
Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình đầu tư khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; cân đối cung cầu sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn cả nước; tham gia ý kiến thuộc thẩm quyền về nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông;…
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông để cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật về khoáng sản; chủ trì tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa; Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông nội tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh; …
Theo monre.gov.vn