Quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ để phát triển dự án trên mặt

Email :
Ngày 9/4, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã có cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ về nội dung dự thảo Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt”.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt”, Tổng cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát 05 chính sách dự kiến đưa vào nội dung dự thảo Nghị định như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời nghiên cứu ý kiến đề nghị bổ sung 02 chính sách của Bộ Tư pháp liên quan đến trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi có khoáng sản dự trữ; và việc xử lý khiếu kiện, tranh chấp giữa các chủ thể, kể cả tranh chấp, khiếu kiện quốc tế (nếu có) khi có sự thay đổi (điều chỉnh) thời gian dự trữ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư dự án trên mặt.
Trên cơ sở đó, Tổng cục đã rà soát, sắp xếp và bố cục lại thành 05 chính sách, đó là: (i) Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia phải đảm bảo nhu cầu sử dụng khoáng sản, đồng thời phát triển các dự án trên mặt, nhằm phát huy sử dụng hiệu quả, tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. (ii) Xác lập cơ sở pháp lý để đầu tư các dự án phát triển trên mặt trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải phù hợp các quy định của pháp luật về đầu tư, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. (iii) Việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên mặt phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. (iv) Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (về thời gian, diện tích dự trữ) phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang triển khai dự án phát triển trên mặt. (v) Quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển trên mặt; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có liên quan.
Riêng về vấn đề thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục đã rà soát, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn khi đề xuất thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó có việc xem xét quy định thời gian tối tiểu đủ để phát triển các dự án kinh tế-xã hội trên khu vực dự trữ hoạt động có hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Tổng cục đã đề xuất 2 phương án giải quyết vấn đề. Phương án 1: tối thiểu 25 năm nhưng không quá 50 năm. Phương án 2: tối thiểu 25 năm và không quy định thời gian tối đa. Trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, Tổng cục đề nghị lựa chọn Phương án 1, đó là: Thời gian dự trữ khoáng sản tối thiểu 25 năm nhưng không quá 50 năm.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo quản lý, bảo vệ khoáng sản, vừa tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển kinh tế trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục cần tiếp tục rà soát để đảm bảo dự thảo Nghị định phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý hiệu quả các hoạt động liên quan đến bảo vệ khoáng sản dự trữ quốc gia, đồng thời phát huy tối đa nguồn tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế-xã hội;
Nội dung Nghị định không trái với quy định của Luật khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các Luật khác, bảo đđảm bảo tính thống nhất trong quản lý toàn diện của Chính phủ, đồng thời không chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, dễ hiểu cho mọi đối tượng khi áp dụng, .phù hợp với hoạt động thực tế và có tính khả thi.
Theo monre.gov.vn