Đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt: Cần tăng trách nhiệm

Email :
Hiện nay, việc quản lý chất lượng cấp nước sinh hoạt do 3 ngành: Xây dựng, Y tế và TN&MT kiểm soát. Ngoài ra, còn có UBND các địa phương các cấp tại địa phương sản xuất và sử dụng nước.
Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ xây dựng và Ủy ban nhân các cấp chỉ đạo. Việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Còn việc quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường.
Trong đó, ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác... đồng thời Luật cũng quy định Ủy ban nhân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.
Để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhà đầu tư phải đầu tư công trình khai thác nguồn nước từ sông, suối hay từ các giếng khoan, sau đó sẽ phải xử lý để bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy chuẩn cho ăn, uống, sinh hoạt của Bộ Y tế rồi mới được đưa vào hệ thống phân phối, cấp nước đến từng hộ dân. Các đơn vị khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước cung cấp đến từng hộ dân, đồng thời phải bảo đảm việc cung cấp nước ổn định.
“Sự cố tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà vừa qua là một bài học cảnh tỉnh về vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho mọi người dân, nhất là tại các thành phố lớn”, ông Châu Trần Vĩnh nói.
Các ngành, các địa phương, theo trách nhiệm của mình, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, đặc biệt là các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời.
Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.
Sau sự cố nguồn nước nhiễm dầu vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng Cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
Theo Thúy Hằng, monre.gov.vn 25/10/2019