Sáng 4/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" (VILG) cấp Quốc gia. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện một số Bộ, ngành, địa phương và cơ quan trực thuộc Bộ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh tới yêu cầu phải bảo đảm tính thống nhất, khả thi, hiệu quả trong triển khai Dự án, trong đó có sử dụng thống nhất một phần mềm chung.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi cơ sở dữ liệu đất đai là một trong năm cơ sở dữ liệu được Chính phủ ưu tiên xây dựng; đồng thời cũng để hiện thực hóa việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với lĩnh vực quản lý đất đai này.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ sở dữ liệu đất đai không chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc quản lý dữ liệu đất đai mà còn có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực; cũng như việc bảo đảm xây dựng và thực hiện được các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của tổ chức, người dân và do anh nghiệp; bảo đảm khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách…
Mục tiêu tổng thể của Dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" (VILG) là phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu cầu Chính phủ, do anh nghiệp và người dân; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể được đặt ra của Dự án là: (i) xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc; (ii) hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất…) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan (thuế, công chứng, ngân hàng,…); (iii) hỗ trợ tăng cường công tác quản lý đất đai và đảm bảo thực hiện thống nhất Luật Đất đai 2013 ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất; (iv) hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu – cuối của các Văn phòng và đào tạo cán bộ; (v) Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với Dự án; đặc biệt là đối với công tác xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin đất đai; hệ thống theo dõi, đánh giá và sử dụng đất đai.
Dự án được sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới với tổng số vốn đầu tư 180 triệu USD; được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022. Dự án được triển khai tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, để triển khai Dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia và Ban quản lý dự án cấp trung ương gồm 26 thành viên, trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trưởng Ban chỉ đạo. Hiện đã có 18/33 tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố; 19/33 tỉnh thành lập Ban quản lý dự án. Ông Chính cũng báo cáo chi tiết về các nội dung công việc đã triển khai ở cấp Trung ương, trong đó tập trung vào việc lựa chọn mô hình và phần mềm vận hành Hệ thống thông tin đất đai; tổ chức hướng dẫn, đào tạo cho địa phương về các thủ tục liên quan đến thành lập bộ máy tổ chức thực hiện dự án; hướng dẫn các tỉnh hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thẩm định vay lại vốn; xây dựng kế hoạch hoạt động,…
Tại Hội nghị, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt, ông Chính cũng báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc trong việc lựa chọn mô hình và phần mềm vận hành hệ thống thông tin đất đai; các nội dung công việc bảo đảm theo tiến độ Dự án năm 2018; đồng thời xin ý kiến đối với Dự thảo Quy chế hoạt động và Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018 - 2022, Kế hoạch năm 2018 của Ban chỉ đạo.
Cung cấp thêm thông tin về lựa chọn mô hình và phần mềm cơ sở dữ liệu, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đã báo cáo về tiến độ triển khai lựa chọn mô hình cơ sở dữ liệu và xây dựng Bộ tiêu chí/yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm hệ thống thông tin đất đai.
Về phía các địa phương, đại diện các tỉnh cũng đã báo cáo, đề nghị cho ý kiến tháo gỡ một số vướng mắc của tỉnh, khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện dự án, thành lập Ban chỉ đạo dự án của tỉnh (đối với một số tỉnh chưa thành lập); cũng như mong muốn Bộ và Ban chỉ đạo Trung ương quan tâm, hướng dẫn các tỉnh, bảo đảm thực hiện đồng bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Ban Quản lý dự án báo cáo Bộ, có văn bản yêu cầu các tỉnh đẩy mạnh việc triển khai Dự án trên địa bàn của tỉnh; thường xuyên làm việc với Ban Quản lý dự án của các tỉnh để nắm bắt thông tin triển khai, tăng cường hướng dẫn, phối hợp thực hiện; đồng thời làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc có liên quan.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, Ban quản lý dự án cần mời các chuyên gia về công nghệ và các do anh nghiệp cung cấp công nghệ thông tin để đánh giá tính hiệu quả của các phương án lựa chọn mô hình là tập trung tại trung ương hay phân tán để sớm đưa ra kiến nghị, đánh giá và lựa chọn phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trên phạm vi toàn quốc thì cần sử dụng thống nhất một phần mềm chung để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai thực hiện. do đó, cần tổ chức mời các chuyên gia, do anh nghiệp trong và ngoài nước để đề xuất phần mềm nào phù hợp nhất trên cơ sở bảo đảm được tính thống nhất, tiên tiến nhất, được xây dựng từ những nhà cung cấp uy tínvà bản quyền thuộc về Chính phủ.
Về tháo gỡ vay vốn và ký thỏa thuận vay lại của các địa phương tham gia Dự án, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch - Tài chính cùng với Ban Quản lý dự án cấp Trung ương rà soát lại các quy định của Nhà nước về quản lý về đầu tư công, nợ công để đề xuất các phương án báo cáo Bộ, Ban chỉ đạo.
Theo monre.gov.vn 4/7/2018